Tiền điện "gánh" cả chi phí sân tenis, bể bơi, biệt thự

author 06:09 09/10/2013

Các khoản lỗ do chậm tiến độ dự án, xảy ra sự cố khi vận hành, chi phí cho biệt thự, sân tenis, bể bơi… đều được EVN tính vào giá bán điện.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn tài sản tại Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết, trong quá trình đầu tư các dự án nguồn điện, EVN đã đưa nhiều khoản chi phí vô lý và không đúng qui định để tính vào giá bán điện.

Tất cả đều được tính vào giá điện

Kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tài sản trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tại công ty mẹ EVN, qua kiểm tra, 6 dự án của công ty có sử dụng trên 355.000 m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên gồm nhà biệt thự đơn lập, song lập, sân tennis, bể bơi… với tổng giá trị gần 600 tỉ đồng, được Bộ Công thương và EVN thống nhất đưa vào khoản mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nằm trong tổng mức đầu tư của các dự án nguồn điện. Những khoản chi phí này sau đó được đưa vào tính trong giá bán điện. Thanh tra khẳng định việc làm này là “Không đúng qui định”.

Gia dien tinh ca tien xd san tennis, be boi

Người dân phải trả tiền điện cao vì có cả phí xây dựng bể bơi và biệt thự của EVN. Ảnh minh họa

Cách làm không đúng qui định còn xảy ra tại một số đơn vị thành viên, cụ thể là EVN TP HCM, được cơ quan thẩm quyền giao đất đầu tư dự án bất động sản tại vị trí của Nhà máy nhiệt điện Chợ Quán. Thế nhưng đơn vị này lại hạch toán các chi phí liên quan đến việc thực hiện dự án số tiền hơn 7.479 tỷ đồng (chủ yếu là tiền thuê đất hàng năm) vào chi phí sản xuất kinh doanh điện mà không tổng hợp, hạch toán vào chi phí đầu tư dự án.

Tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, tổng mức đầu tư trên 4.271 tỉ đồng, TTCP phát hiện sau khi đưa vào vận hành nhà máy không thể hoạt động liên tục trong 1 tháng. Từ khi bàn giao đưa vào vận hành đến 2/4/2012 đã xảy ra 37 lần sự cố, chỉ tính riêng việc khởi động lại nhà máy đã mất hơn 12.500 tấn dầu FO trị giá hơn 163 tỉ đồng. Các khoản chi phí để khắc phục những sự cố này Công ty TNHH MTV nhiệt điện Uông Bí không lấy từ nhà thầu mà lại hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến Nhiệt điện Uông Bí bị lỗ nặng trong năm 2010 và 2011.

Ngoài ra, EVN đã hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng quy định tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí hoạt động trong năm 2011 với số tiền hơn 223 tỉ đồng.

Đầu tư ra ngoài: lỗ nhiều hơn lãi

Kết luận thanh tra cho biết: tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 76.742 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm các quy định của Bộ Tài chính. Các lĩnh vực được EVN đầu tư gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Thanh tra khẳng định: Việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế”.

Gia dien ganh ca cac chi phi khac cua EVN

EVN đã tiêu tiền của người dân như thế nào? Ảnh minh họa

Đáng chú ý là việc EVN đầu tư vào EVN Telecom gây mất toàn bộ vốn Nhà nước hơn 2.400 tỉ đồng; sử dụng hơn 1,6 triệu USD và hơn 467 tỉ đồng để ký kết hợp đồng đào tạo thạc sĩ kinh doanh cho 164 cán bộ công nhân viên, nhưng đến nay bằng cấp đối tác cấp cho cán bộ của EVN chưa được cơ quan nhà nước của Việt Nam công nhận.

Tại các đơn vị thành viên của EVN tính đến 2011, như Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (NPT) lỗ 3.145 tỉ đồng, Tổng công ty điện lực miền Nam lỗ hơn 1.200 tỉ đồng.

NPT cũng không bảo toàn được vốn Nhà nước trong năm 2011 do thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao; tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi số tiền 7.119 tỷ đồng để chi cho cán bộ công nhân viên trong khi EVN giao kế hoạch không có lợi nhuận nên đến nay chưa có nguồn để bù đắp.

Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng trong tình trạng này do thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao, vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm gần 329 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, việc chi tiêu mua sắm tài sản của EVN cũng vượt các giới hạn cho phép. Cụ thể, kết luận Thanh tra cho biết: EVN mua 2 xe ô tô Toyota LandCruise (dòng xe hai cầu) với trị giá là hơn 5.094 tỷ đồng (mỗi xe ô tô trị giá trên 2,5 tỷ đồng). Trong khi theo qui định EVN chỉ được mua xe ô tô hai cầu với mức giá tối đa là 1.040 tỷ đồng/xe. “Như vậy, EVN mua xe ô tô vượt mức qui định với số tiền  trên 3 tỷ đồng”.

Theo VOV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang