Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp

author 07:03 19/02/2020

(VietQ.vn) - Tiếp thu ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, Hội và các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp đã hoàn thiện.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo phân công tổ chức thực hiện Đề án 996, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ hướng dẫn và chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường theo tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng, phê duyệt tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp nhằm thống nhất cách đánh giá từ Trung ương đến địa phương và để các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan thống nhất áp dụng khi đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp theo Đề án 996.

Phương tiện đo chuẩn tốc độ gió hiện đại đã được Viện Đo lường Việt Nam khai thác phục vụ doanh nghiệp. 

Nội dung chính của dự thảo Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp gồm:
A. NỘI DUNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ (100 ĐIỂM)
I. Thành phần tiêu chí đánh giá
1. Nhóm tiêu chí 1: Các tiêu chí về cam kết, mức độ sẵn sàng áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường.
2. Nhóm tiêu chí 2: Các tiêu chí về triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường.
3. Nhóm tiêu chí 3: Các tiêu chí về điều kiện bảo đảm hoạt động đo lường.
4. Nhóm tiêu chí 4: Các tiêu chí về hiệu quả tác động của hoạt động đo lường.
5. Nhóm tiêu chí 5: Các tiêu chí khác.

II. Nhóm tiêu chí 1 (tối đa 5 điểm)
1. Có cam kết áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường: Tối đa được 01 điểm).
2. Mức cam kết: Tối đa được 02 điểm.
- Cam kết thể hiện trong quy định, quy chế của doanh nghiệp (01 điểm).
- Cam kết thể hiện trong quy chế, nội quy của phòng, ban, đơn vị thuộc doanh nghiệp (01 điểm).
3. Văn bản cam kết thể hiện rõ mục tiêu, chương trình, kế hoạch thực hiện: Tối đa được 01 điểm.
4. Văn bản cam kết thể hiện rõ nhiệm vụ, biện pháp thực hiện và phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện cho phòng, ban, đơn vị, cá nhân thuộc doanh nghiệp: Tối đa được 01 điểm.

III. Nhóm tiêu chí 2 (tối đa 48 điểm)
1. Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp phê duyệt phù hợp với Khung Chương trình đảm bảo đo lường do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: Tối đa được 3 điểm.
2. Trách nhiệm của lãnh đạo
Thể hiện rõ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của lãnh đạo: Tối đa được 3 điểm.
3. Quản lý nguồn lực
Thể hiện rõ kế hoạch và thực hiện quản lý nguồn lực: Tối đa được 3 điểm.
4. Thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, thiết bị đo, chuẩn đo lường: Tối đa được 9 điểm.
a) Tiến hành việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đầy đủ cho các phương tiện đo, thiết bị đo, chuẩn đo lường: Tối đa được 5 điểm.
b) Kiểm soát việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm: Tối đa được 02 điểm.
c) Hồ sơ quá trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm: Tối đa được 02 điểm.
5. Thực hiện phép đo: Tối đa được 6 điểm.
6. Thực hiện phân tích, đánh giá hệ thống đo lường và ban hành biện pháp khắc phục, phòng ngừa, biện pháp tăng cường, đổi mới: Tối đa được 6 điểm.
7. Thực hiện biện pháp khắc phục, phòng ngừa: Tối đa được 6 điểm.
8. Thực hiện biện pháp tăng cường, đổi mới: Tối đa được 6 điểm.
9. Thực hiện các nội dung khác của Chương trình đảm bảo đo lường: Tối đa được 6 điểm.

IV. Nhóm tiêu chí 3 (tối đa 18 điểm)
1. Lập kế hoạch hằng năm và bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí triển khai, thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, thiết bị đo, chuẩn đo lường: Tối đa được 06 điểm.
2. Lập kế hoạch hằng năm và bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí triển khai, thực hiện đào tạo đội ngũ làm công tác đo lường: Tối đa 06 điểm.
3. Lập kế hoạch hằng năm và bố trí đủ kinh phí, biện pháp tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết triển khai, thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường: Tối đa được 06 điểm.

V. Nhóm tiêu chí 4 (tối đa 24 điểm).
1. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp: Tối đa được 20 điểm.
a) Tăng danh tiếng và thương hiệu: Tối đa được 3 điểm.
b) Tăng thị phần và khả năng chiếm lĩnh thị trường: Tối đa được 3 điểm.
c) Hiệu quả sản xuất kinh doanh: Tối đa được 10 điểm.
- Tiết kiệm vật tư, nhiên liệu, nhân công: 1 điểm.
- Giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ: 1 điểm.
- Có năng suất lao động cao: Tối đa được 4 điểm.
- Sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao: Tối đa được 4 điểm.
d) Thực hiện trách nhiệm xã hội: Tối đa được 4 điểm.
- Quá trình sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ không gây hại môi trường: Tối đa được 2 điểm.
- Thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường: Tối đa được 2 điểm.
2. Hội nhập quốc tế: Tối đa được 4 điểm.
- Sản phẩm, dịch vụ được cung cấp vào chuỗi cung ứng đa quốc gia: Tối đa được 3 điểm.
- Các tài liệu kỹ thuật liên quan đến hoạt động đo lường được ban hành và áp dụng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tài liệu quốc tế: Tối đa được 01 điểm.

VI. Nhóm tiêu chí 5 (tối đa 5 điểm)
1. Minh bạch, khách quan: Tối đa được 01 điểm.
2. Bảo đảm công bằng giữa các bên trong mua bán, thanh toán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: Tối đa được 01 điểm.
3. Góp phần bảo đảm an toàn: Tối đa được 01 điểm.
4. Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Tối đa được 01 điểm.
5. Góp phần bảo vệ môi trường: Tối đa được 01 điểm.

B. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐẢM BẢO ĐO LƯỜNG
I. Yêu cầu
Việc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của từng doanh nghiệp, theo từng ngành, lĩnh vực phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng, kết quả thực hiện của từng doanh nghiệp, trên địa bàn địa phương, trên phạm vi cả nước hàng năm.
II. Đánh giá tại doanh nghiệp

1. Việc đánh giá được lựa chọn, thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
a) Tiếp xúc trực tiếp, phỏng vấn, nghe ý kiến phản hồi của cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp, của cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác có liên quan.
b) Thảo luận, phân tích số liệu thu thập được.
c) Xem xét bảng số liệu tổng kết thông qua báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền;
d) Xem xét hồ sơ lưu trữ, các tài liệu liên quan;
đ) Quan sát thực tế điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực.

2. Thời gian, trình tự đánh giá
a) Hàng năm, trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, doanh nghiệp tự thực hiện đánh giá hoặc đề nghị một tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập đủ năng lực thực hiện đánh giá.
b) Việc đánh giá được thực hiện theo các tiêu chí tại Chương II và hình thức đánh giá tại Khoản 1 Điều này; kết quả đánh giá được điền vào Mẫu biên bản đánh giá tại Phụ lục kèm theo văn bản này.
c) Kết thúc quá trình đánh giá, doanh nghiệp nộp hồ sơ kết quả đánh giá về Cơ quan chuyên trách về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương.

III. Đánh giá theo từng ngành, lĩnh vực

1. Hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham chiếu tiêu chí và phương pháp đánh giá tại văn bản này để tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường theo từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn địa phương. Các địa phương có thể điều chỉnh tiêu chí và phương pháp đánh giá đảm bảo phù hợp với đặc thù địa phương khi có phương án cụ thể báo cáo và được sự đồng ý của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

2. Trình tự thực hiện đánh giá
a) Cơ quan chuyên trách về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Công văn đề nghị các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường thuộc địa bàn tỉnh, thành phố cung cấp kết quả đánh giá tại doanh nghiệp;
b) Các doanh nghiệp gửi hồ sơ kết quả đánh giá trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Công văn đề nghị;
c) Cơ quan chuyên trách về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì phối hợp với cơ quan chuyên môn, quản lý ngành, lĩnh vực liên quan thực hiện thẩm tra, xác minh số liệu trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ kết quả đánh giá của doanh nghiệp; tổng hợp số liệu, hồ sơ và báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ.
d) Trên cơ sở báo cáo tổng hợp số liệu, hồ sơ, Cơ quan tham mưu, giúp việc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực liên quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện các công việc sau:
- Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn địa phương;
- Lựa chọn doanh nghiệp đạt mức xuất sắc của tỉnh, thành phố theo các tiêu chí: 10% của doanh nghiệp đạt mức tốt; chấp hành tốt quy định của pháp luật; kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp có tác dụng làm điển hình, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn địa phương triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường;
- Báo cáo kết quả đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp xuất sắc về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
đ) Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp xuất sắc của Cơ quan tham mưu, giúp việc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt và gửi kết quả phê duyệt về Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng);
3. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì, phối với cơ quan/đơn vị được phân công thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện các công việc sau:
a) Tổng hợp kết quả phê duyệt của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố;
b) Đánh giá, xếp loại mức kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường theo ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước;
c) Lựa chọn các doanh nghiệp đạt mức xuất sắc theo ngành, lĩnh vực;
d) Trình kết quả đánh giá và lựa chọn về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, công bố.

IV. Quyền lợi của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp đạt mức xuất sắc, tốt có quyền lợi sau:
a) Được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trên các diễn đàn, hội nghị liên quan và theo hình thức khác theo yêu cầu của quản lý;
b) Được thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác về kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp;
c) Được ưu tiên, hỗ trợ về đo lường theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định khác của pháp luật liên quan;
d) Được ưu tiên, hỗ trợ đào tạo về đo lường, tư vấn về đo lường và tham gia các chương trình, hội thảo về đo lường tổ chức tại Việt Nam, khu vực và quốc tế;
đ) Được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm ưu đãi, hỗ trợ theo quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và các chương trình phát triển về đo lường.
2. Doanh nghiệp đạt mức khá có quyền lợi sau:
a) Được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trên các diễn đàn, hội nghị liên quan và theo hình thức khác theo yêu cầu của quản lý;
b) Được thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác về kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp;
c) Được ưu tiên, hỗ trợ về đo lường theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định khác của pháp luật liên quan;
d) Được ưu tiên, hỗ trợ đào tạo về đo lường, tư vấn về đo lường và tham gia các chương trình, hội thảo về đo lường tổ chức tại Việt Nam, khu vực và quốc tế;
đ) Được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm ưu đãi, hỗ trợ theo quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và các chương trình phát triển về đo lường.
3. Doanh nghiệp đạt mức trung bình có quyền lợi sau:
a) Được ưu tiên, hỗ trợ về đo lường theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định khác của pháp luật liên quan;
b) Được ưu tiên, hỗ trợ về đào tạo và tham gia các chương trình, hội thảo về đo lường tổ chức tại Việt Nam, khu vực và quốc tế;
c) Được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm ưu đãi, hỗ trợ theo quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và các chương trình phát triển về đo lường.

Dự thảo “Tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp” sẽ được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và ban hành trong thời gian tới.

Tiêu chí và phương pháp đánh giá này là cơ sở để các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan áp dụng khi đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp theo Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường cho 33 ngành, lĩnh vực trọng tâm (VietQ.vn) - Bộ KH&CN vừa ban hành Danh mục các ngành, lĩnh vực trọng tâm cần tăng cường đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

H. Thanh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang