Tình hình Biển Đông hôm nay: Sau Trung Quốc, đến lượt Đài Loan “đòi chủ quyền Biển Đông”?

author 06:45 04/09/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông ngày một căng thẳng không chỉ vì những tranh chấp của Nhật – Trung trên biển Hoa Đông mà còn bởi tuyên bố “Đài Loan không thể vắng mặt trong các buổi đàm phán ở Biển Đông” của tổng thống nước này.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông trên báo chí, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan mới tới thăm dò ở Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật đang tranh chấp trên quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Kông đưa tin, giàn khoan mới này có tên gọi Kaixuan-1, do công ty đóng tàu Cosco Shipyard đóng. Tuy nhiên, bài báo không nêu rõ vị trí triển khai của Kaixuan-1 và cũng như chỉ ra liệu khu vực khoan của giàn khoan mới có nằm ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước hay không.

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh minh họa

Được biết, Cosco Shipyard cho hay giàn khoan có độ sâu tới 5.200 mét nàyđã được bàn giao cho Cơ quan dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (China Oilfield Services) từ ngày 17/7. Trong một bản báo cáo, Cosco Shipyard tuyên bố Kaixuan-1 đã có sự khởi đầu suôn sẻ, bất chấp thách thức giàn khoan có thể bị quật đổ trong mưa bão. 

Trước đó, vào năm 1995, Trung Quốc tuyên bố đã phát hiện được một khu vưc khí đốt tự nhiên dưới lòng biển (Chunxiao) và nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên Nhật cho rằng Chunxiao nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Năm 2008, hai nước đã nhất trí cùng phát triển Chunxiao nhưng cho đến nay chưa có bước tiến nào thêm.

Hiện Nhật - Trung đang tranh chấp gay gắt chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Nguy cơ đối đầu quân sự gia tăng khi cả hai đều phái tàu và máy bay tới khu vực. Cũng trong những năm gần đây Bắc Kinh liên tục gây căng thẳng với các nước láng giềng trong vấn đề chủ quyền biển đảo, trong đó có Philippines và Việt Nam ở Biển Đông.

 

 

 

Trung Quốc từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong phạm vi Biển Đông Việt Nam

Trước tình hình Biển Đông ngày một căng thẳng, tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố trên các phương tiện truyền thông rằng trong tương lai, khi các nước tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về Biển Đông, Đài Loan đều "không thể vắng mặt", bởi vì Đài Loan "đóng vai trò quan trọng" ở đây.

Phát biểu trên báo chí, Mã Anh Cửu cho rằng Đài Loan rất tích cực tiến hành công việc có liên quan đến Biển Đông, bao gồm năm 2010, Bộ Nội vụ chính thức bắt đầu sử dụng trạm quản lý công viên quốc gia đá vòng Đông Sa, xây dựng cơ sở nghiên cứu quốc tế, thực hiện kế hoạch trạm nghiên cứu biển Hoa Đông, thúc đẩy Đông Sa trở thành thị trấn quan trọng nghiên cứu biển quốc tế.

Năm 2011 Bộ Kinh tế Đài Loan lần lượt lập ra ở khu vực khai thác khoáng sản ở xung quanh Đông Sa và đảo Thái Bình (đảo Ba Bình - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) một vùng rộng tổng cộng 49.500 km2, hoàn thành sơ bộ công tác khảo sát khoa học vùng biển và thăm dò địa chất. Tiếp đó, Bộ Quốc phòng và Cục Hải tuần Đài Loan lần lượt thực hiện trại nghiên cứu học tập "Nam Sa" (quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Hoạt động phi pháp của Đài Loan ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hoạt động phi pháp của Đài Loan ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo Mã Anh Cửu, năm 2011, Bộ Kinh tế Đài Loan lập thêm hệ thống quang điện mặt trời ở đảo mà họ gọi là "Nam Sa", xây dựng "đảo carbon thấp"; năm 2011 Bộ Khoa học công nghệ Đài Loan chính thức bắt đầu sử dụng tàu nghiên cứu biển cỡ lớn lớp 2.700 tấn mang tên "Nghiên cứu khoa học 5", tăng khả năng nghiên cứu.

Các cơ quan như: Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông và Cục Hải tuần Đài Loan cùng thực hiện công trình xây dựng tổng thể hạ tầng giao thông "đảo Thái Bình-Nam Sa" (thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện do Đài Loan kiểm soát); Bộ Giao thông Đài Loan cũng xây dựng xong mạng lưới thông tin ở "đảo Thái Bình", bảo đảm liên tạc với nhân viên đồn trú, tàu cá hoạt động trên biển, đồng thời khi cần thiết cung cấp dịch vụ cần thiết.

Đài Loan khẳng định “đóng vai trò quan trọng” trong các vấn đề về tình hình Biển Đông

Đài Loan khẳng định “đóng vai trò quan trọng” trong các vấn đề về tình hình Biển Đông. Ảnh minh họa

Theo lời Mã Anh Cửu, những hoạt động này đương nhiên đều là "hòa bình", không phải "quân sự", mục đích một mặt để người Đài Loan hiểu nhiều hơn về "lãnh thổ", quần đảo ở Biển Đông; mặt khác cũng để quốc tế hiểu Đài Loan “đang rất tập trung quản lý những đảo này”. Ngoài ra, Mã Anh Cửu còn cho rằng: "Chúng ta nói về Biển Đông, một mặt, chủ quyền nhất định phải bảo vệ, bởi vì, chủ trương liên quan chủ quyền nhất định phải cố gắng đưa ra". 

Đồng thời, tổng thống Mã Anh Cửu khẳng định Đài Loan "rất quan tâm" đến các đảo ở Biển Đông cũng như tin rằng nước này có đầy đủ "chứng cứ tương đối vững chắc", tiếp tục lấy đó làm cơ sở, hy vọng Đài Loan "không thể bị gạt bỏ" khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán hay xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa các nước có liên quan ở Biển Đông.

Minh Thùy (tổng hợp từ Dân Trí, Giáo Dục)

 

 

 




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang