Trung Quốc ngang ngược đưa ‘kẻ đánh tạt sườn’ đến kiểm soát Biển Đông

author 18:23 13/04/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu J-11s, loại tiêm kích được ví như ‘kẻ đánh tạt sườn’ đến đảo Phú Lâm.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Tuổi Trẻ, hình ảnh vệ tinh mới nhất của công ty ImageSat International (ISI) phát hiện hai máy bay chiến đấu J-11s của Trung Quốc xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Fox News đưa tin, những hình ảnh vệ tinh của ISI chụp được vào ngày 7/4 và đã được giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận hôm 12/4, cho thấy 2 chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11s của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm.

Trung Quốc liên tiếp đưa vũ khí quân sự tới đảo Phú Lâm bất chấp tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, phức tạp

Trung Quốc liên tiếp đưa vũ khí quân sự tới đảo Phú Lâm bất chấp tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, phức tạp

Máy bay J-11s được Lầu Năm Góc ví như “kẻ đánh tạt sườn”, loại máy bay này lần đầu tiên được Trung Quốc đưa vào sử dụng hồi năm 1998. Theo Fox News, lớp máy bay J-11s được biến đổi từ phiên bản máy bay Sukhoi Su-27 do Nga sản xuất, có thể so sánh với máy bay chiến đấu F-15 của không quân Mỹ hoặc máy bay F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ.

Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trái phép ở đảo Phú Lâm, sau khi triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 ở đây. Giới chức Mỹ quan ngại Trung Quốc sẽ dần kiểm soát biển Đông nếu các hoạt động quân sự hóa của nước này vẫn tiếp diễn không kiểm soát.

Các hình ảnh vệ tinh của ISI cũng cho thấy một hệ thống radar điều khiển bắn đã được lắp đặt trên đảo Phú Lâm. Hệ thống này sẽ giúp hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc đã được triển khai ở đây hoạt động toàn diện.

Quân đội Mỹ đang quan ngại hệ thống radar mới này sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi các máy bay chiến đấu, ném bom và máy bay thu thập thông tin tình báo của Mỹ. Hình ảnh của ISI cũng cho thấy 1 trong 8 tên lửa đất đối không sẵn sàng bắn ở khu vực phía Đông đảo Phú Lâm.

Hình ảnh vệ tinh từ ISI cho thấy máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Hình ảnh vệ tinh từ ISI cho thấy máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc xuất hiện ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Theo Fox News, hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 có tầm bắn khoảng 200km và có thể đe dọa các máy bay dân sự, ngoài máy bay quân sự của Mỹ. Giới chức quốc phòng Mỹ còn quan ngại sau khi triển khai máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm, có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục động thái tương tự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Vietnamnet, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang không ngừng quân sự hóa ở khu vực Biển Đông thông qua việc triển khai liên tiếp các hệ thống vũ khí tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngoài các tên lửa chống hạm YJ-62, những hình ảnh trên sóng truyền hình Trung Quốc gần đây cho thấy, các đơn vị phòng không của PLAN còn tiến hành tập trận bắn đạn thật ở khu vực đang tranh chấp. Theo đánh giá của giới phân tích quân sự, việc tích hợp mạng lưới phòng không đa tầng, cùng các tên lửa chống hạm, giúp Bắc Kinh duy trì nuôi dưỡng tham vọng kiểm soát vùng biển này, kể cả vùng không phận ở phạm vi rất lớn.

Trong các loại vũ khí đã được Trung Quốc ngang ngược cài đặt ở khu vực Biển Đông, phải kể đến giàn tên lửa đất đối không (SAM) HQ-9.  HQ-9 sử dụng hệ thống radar AESA HT-233 để tìm kiếm và theo dấu máy bay đối phương, kể cả chiến đấu cơ tàng hình và máy bay không người lái. Chưa hết, PLAN còn sử dụng SAM HQ-6 để "quét" những gì mà hệ thống HQ-9 bỏ sót.

Việc Trung Quốc thiết lập mạng phòng không đa tầng ở Biển Đông khiến giới quân sự quốc tế lo ngại

Việc Trung Quốc thiết lập mạng phòng không đa tầng ở Biển Đông khiến giới quân sự quốc tế lo ngại

Bên cạnh đó, chiến lược quân sự hóa ở Biển Đông còn được minh chứng bằng việc Trung Quốc lén lút cài đặt mạng lưới phòng không đa tầng LD-2000 (CIWS). Tổ hợp pháo phòng không tự hành LD-2000 là phiên bản tác chiến mặt đất của hệ thống phòng thủ tầm thấp (CIWS) Type 730 thường trang bị cho các tàu khu trục Type 052D và Type 054A của Trung Quốc.

LD-2000 sử dụng radar hiện đại, thiết bị dò tìm laser và mắt hồng ngoại để dẫn đường cho các tên lửa tầm ngắn DK-9. Tổ hợp pháo phòng không này được thiết kế để bảo vệ những mục tiêu di động quan trọng, đặc biệt là radar và tên lửa tầm xa trong hệ thống phòng không liên hợp.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc luôn duy trì triển khai các hệ thống chống tiếp cận nhiều tầng kiểu. Những diễn biến này là minh chứng không thể chối cãi về tốc độ quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh đã áp dụng bên cạnh các công cụ bán quân sự hoặc phi quân sự như kiểu tàu cảnh sát biển, giàn khoan hay đội tàu cá ở khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

> > Đang ngồi trong lớp, sinh viên ĐH Thương mại bị quạt trần rơi trúng đầu

Lan Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang