Trung Quốc ép Indonesia giấu vụ đụng độ ở Biển Đông để ‘vẫn là bạn’

author 19:00 23/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay Trung Quốc đã xuống nước yêu cầu Indonesia không tiết lộ vụ đụng độ ở Biển Đông để hai nước ‘vẫn là bạn’.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông trên Zing News, vài giờ sau vụ tàu cảnh sát biển Trung Quốc chạm trán tàu Indonesia trên Biển Đông, một nhà ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh đã gọi điện nhờ Jakarta không tiết lộ cho báo chí. Cụ thể một nguồn tin từ chính phủ Indonesia ngày 23/3 tiết lộ với Bloomberg rằng, nhà ngoại giao Trung Quốc đã xuống nước đề nghị với họ rằng "đừng cung cấp vụ việc cho báo chí, hai nước vẫn là bạn của nhau".

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, Trung Quốc đã vận động Indonesia giấu vụ đụng đổ ở Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, Trung Quốc đã vận động Indonesia giấu vụ đụng đổ ở Biển Đông. Ảnh AP

Sự "vận động" này xuất phát từ việc tuần trước Indonesia bắt tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển Natuna, nhưng bị tàu hải cảnh Trung Quốc tiến tới ngăn cản. Vị quan chức Indonesia không nêu cụ thể tên nhà ngoại giao của Bắc Kinh do tính nhạy cảm của sự việc. Tuy nhiên, ông cho biết Jakarta đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc và quyết định tổ chức một cuộc họp báo để phản đối hành động của nước này.

Quan chức Indonesia nhấn mạnh, thoạt đầu họ không muốn làm lớn chuyện, nhưng buộc phải phản ứng do hành động của Trung Quốc lần này vô cùng nghiêm trọng, và Bắc Kinh dường như quyết liệt trong việc tăng cường các hành vi gây hấn trên Biển Đông.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Indonesia không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Bloomberg về thông tin trên. Tuy nhiên, việc "vận động cửa sau" cho thấy Indonesia và Trung Quốc đều muốn hướng tới quản lý và giải quyết các sự cố một cách lặng lẽ, vì nhiều lý do khác nhau.

Indonesia có truyền thống tránh nêu quan điểm công khai về những sự cố trên Biển Đông, do nước này muốn duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Indonesia. Tổng thống Joko Widodo cũng đang dựa vào phần lớn nguồn hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh để đáp ứng nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Indonesia.

"Trong quá khứ, khi những sự cố (như đối đầu ở đảo Natuna) xảy ra, Indonesia thường tìm cách giảm nhẹ hoặc thậm chí che đậy sự việc vì bảo đảm các mối quan hệ thương mại. Nhưng nếu Trung Quốc tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền sai trái của nước này trong vùng biển Indonesia, Jakarta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chỉ trích Trung Quốc, và chống lại hành vi ngang ngược của Bắc Kinh", ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định.

Quần đảo Natuna ở phía Nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo

Quần đảo Natuna ở phía Nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo. Ảnh Developmentadvisor

Trong khi đó, Trung Quốc nhận thức rõ nước này đang cần tăng cường sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt khi Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines. Trước đó, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích sau hàng loạt động thái quân sự ở Biển Đông, như triển khai tên lửa đất đối không trái phép đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và ngăn cản ngư dân Philippines đánh cá.

Thời báo Hoàn cầu, tờ báo thường có giọng điệu khiêu khích và hiếu chiến của Trung Quốc, ngày 23/3 lại đăng bài kêu gọi hai bên kiềm chế, hướng tới lợi ích chung của những dự án như tuyến đường sắt cao tốc mà Trung Quốc đang hỗ trợ Indonesia xây dựng, nối từ Jakarta đến Bandung.

"Trung Quốc không muốn tranh chấp với các nước láng giềng trong cùng một lúc. Quần đảo Natuna thuộc về chủ quyền Indonesia và Trung Quốc không phản đối điều này. Tuy nhiên, vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia chồng lấn với 'đường 9 đoạn' nên các tranh chấp đánh bắt cá ở khu vực này là không thể tránh khỏi", Thời báo Hoàn cầu viết.

Trong một diễn biến khác có liên quan trên TTXVN, Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone vừa có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam từ ngày 18 đến 21/3/2016. Tại chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone và các nhà Lãnh đạo Việt Nam đã trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cũng như những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay.

Tại chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; gặp gỡ báo chí tại Đại sứ quán Pháp. Ông cũng đã tham dự Ngày hội Pháp ngữ 2016 được tổ chức tại trường Đại học Hà Nội; gặp và làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; thăm một số danh lam thắng cảnh của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Pháp bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông hiện nay

Chủ tịch Quốc hội Pháp bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh TTXVN

Tại các cuộc hội đàm, gặp gỡ, hai bên khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình đưa quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng trên thế giới. Hai bên tin tưởng chuyến thăm sẽ là dấu mốc quan trọng nâng tầm quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp và đóng góp quan trọng vào việc đưa quan hệ đối tác chiến lược hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.

Hai bên thống nhất trong thời gian tới cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, dược, khoa học, giáo dục, y tế, đào tạo nhân lực... chú trọng hợp tác quốc phòng an ninh nhằm góp phần gìn giữ an ninh, hòa bình ở khu vực và thế giới; tăng cường giao lưu, trao đổi, xúc tiến hợp tác trên mọi lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.

Về tình hình Biển Đông, qua trao đổi với các nhà Lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các thỏa thuận của khu vực.

Minh Thùy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang