Lộ bằng chứng tố Trung Quốc xây dựng hệ radar quân sự ở Biển Đông

author 18:52 23/02/2016

(VietQ.vn) - Những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc dường như đang thiết lập hệ thống radar quân sự trên các lộ trình hàng hải trọng yếu ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Vietnamnet, các hình ảnh do Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) công bố gần đây cho thấy dường như Trung Quốc đang thiết lập hệ thống radar quân sự trên các lộ trình hàng hải trọng yếu ở Biển Đông. Cụ thể hình ảnh vệ tinh cho thấy hệ thống radar tần số cao, tháp viễn thông và các trạm quan sát được xây dựng ở Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên đá Châu Viên ngày 24/1/2016, một động thái khiến tình hình Biển Đông tăng nhiệt

Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên đá Châu Viên ngày 24/1/2016, một động thái khiến tình hình Biển Đông tăng nhiệt. Ảnh CSIS

CSIS xác định những hình ảnh vệ tinh thu được bao gồm hai tháp radar, một hầm và một hải đăng ở phía Bắc bãi đá; nhiều cột radar cao 20m và các thiết bị viễn thông ở phía Nam, thậm chí cả một sân bay trực thăng ở trung tâm Đá Châu Viên. CSIS còn đưa ra những hình cho thấy Trung Quốc đang xây dựng radar ở một số đảo nhân tạo khác.

Trước đó Bắc Kinh từng khẳng định các công trình xây dựng trên những bãi ngầm ở Trường Sa - mà họ chiếm giữ trái phép, rồi biến chúng thành đảo nhân tạo - chỉ phục vụ cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Gregory Poling của CSIS nói rằng, những công trình này đã và đang “vượt qua giới hạn” đó.

“Chúng tôi nhận thấy các hình ảnh dường như là hệ thống radar”, ông Poling, người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á thuộc CSIS nói. “Nó sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc tuần tra và giám sát Biển Đông. Cùng với các đường băng và cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã gia tăng sức mạnh không ngừng trong khu vực và sức mạnh ấy ngày càng mở rộng về phía Nam Biển Đông”, ông Poling nói.

Theo giới phân tích, việc này sẽ không chỉ gây khó khăn cho các nước láng giềng nhỏ hơn khi hoạt động ở Biển Đông, mà còn là lực cản với Mỹ, Nhật cũng như Australia. Nếu là thật thì hệ thống radar quân sự này sẽ giúp Trung Quốc nắm quyền kiểm soát lộ trình hàng không, hàng hải ở eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia, một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hóa (gồm cả dầu mỏ) quan trọng nhất của thế giới.

Bên cạnh Châu Viên, Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động xây dựng trên các thực thể chiếm đóng trái phép khác ở Biển Đông

Bên cạnh Châu Viên, Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động xây dựng trên các thực thể chiếm đóng trái phép khác ở Biển Đông. Ảnh CSIS

Nguy hiểm hơn, hệ thống radar mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo có thể phát hiện ra máy bay trang bị công nghệ tàng hình của Mỹ như máy bay ném bom B2, F-22 Raptor F-35. “Trung Quốc đã thể hiện rõ mục tiêu là kiểm soát khu vực Biển Đông”, ông Poling nhấn mạnh.

CSIS tin rằng, các cơ sở radar thậm chí còn tác động nhiều hơn đến cán cân quân sự tại Biển Đông so với việc Trung Quốc đã ngang nhiên đưa tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới quan sát quốc tế thừa nhận, kkó có nước láng giềng nào có chồng lấn chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông có thể cạnh tranh được công nghệ hiện đại mà Trung Quốc thiết lập tại đây.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Người Lao Động, các nhà chiến lược và hoạch định cấp cao của Lầu Năm Góc (Mỹ) hiện cân nhắc triển khai đơn vị pháo di động ở Biển Đông để nếu cần sẽ vận hành như hệ thống phòng không, sẵn sàng bắn hạ bất cứ tên lửa nào đe dọa.

Ngoài Biển Đông, giới chức Mỹ cũng cân nhắc sử dụng vũ khí phòng không này ở một số khu vực như Trung Đông và Đông Âu. Riêng tại Biển Đông, vì mối quan hệ phức tạp vừa hợp tác vừa đối đầu với Trung Quốc nên các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc phải cân nhắc nhiều phương án khác nhau, nhất là khi nước này vừa đưa tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép), khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp.

Hệ thống radar quân sự ở các đảo nhân tạo sẽ gây ra những tác động khó lường cho tình hình Biển Đông

Hệ thống radar quân sự của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo sẽ gây ra những tác động khó lường cho tình hình Biển Đông. Ảnh CSIS

Tuy nhiên, các nhà hoạch định Mỹ nhấn mạnh vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra đối với vấn đề trên. Giới chức Lầu Năm Góc phản đối Trung Quốc quân sự hóa hơn nữa Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh mọi tranh chấp ở đây cần giải quyết bằng giải pháp ngoại giao và hòa bình.

Cùng lúc đó, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng Washington sẽ tiếp tục chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, bằng cách cho tàu hải quân đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông. Ngoài hoạt động này, Mỹ có thể tìm cách triển khai thêm vũ khí phòng vệ và tấn công ở khu vực. Tất nhiên, động thái như vậy sẽ cần đến sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ ở khu vực vì Washington không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Một nguồn tin cho biết, hệ thống vũ khí có thể được Mỹ triển khai tới khu vực là khẩu pháo M777 Howitze hoặc Paladin. “Chúng tôi có thể sử dụng khẩu pháo Howitzer và loại pháo có thể ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa tầm xa hay tên lửa hành trình” - một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ cho biết.

Hiện Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận về triển vọng phối hợp với đồng minh nhằm triển khai những vũ khí như Howitzer ở biển Đông. Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban khẳng định Washington vẫn tiếp tục hợp tác để phát triển năng lực bảo vệ an ninh hàng hải của các đối tác và đồng minh trong khu vực.

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang