Tinh thần khởi nghiệp đi vào thực chất, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ

author 06:54 20/02/2018

(VietQ.vn) - Năm 2017 là năm nhiều dấu ấn đối với hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam khi mà tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ

Nếu như năm 2016 là “Năm khởi nghiệp quốc gia” thì năm 2017 là năm tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, năm 2017 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp cả nước. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ của riêng một Bộ, ngành mà đã mở rộng ra nhiều Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và hiệp hội. Nhiều tỉnh, thành phố có hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Tháp...

Theo Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) Phạm Hồng Quất cho biết, năm 2017, hoạt động khởi nghiệp đã đi vào thực chất nhiều hơn. Hầu như tất cả các mô hình kinh doanh mới chinh phục được nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện bằng những dự án đã gọi được vốn đầu tư tương đối lớn, trong giới khởi nghiệp gọi là các dự án gọi được “vốn khủng” trong thời gian rất nhanh.

Các founders (sáng lập viên) người Việt, nòng cốt là các du học sinh học đã từng hoặc đang học tập tại nước ngoài đã thổi một luồng gió mới vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong nước và giúp cho các nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là một địa chỉ rất tiềm năng để đầu tư, phát triển thị trường cho các sản phẩm sáng tạo, mô hình kinh doanh mới, đặc biệt dựa trên các công nghệ của I.4.0 như nền tảng công nghệ thông tin, mạng điện tử kết nối vạn vật, điện thoại di động, phầm mềm, trí tuệ nhân tạo.

Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất cho rằng, các bạn trẻ của Việt Nam rất giỏi về công nghệ thông tin, có khả năng thâm nhập rất nhanh vào các mô hình kinh doanh mới để học tập và có những sáng tạo mới. Mạng lưới du học sinh Việt Nam cũng trải khắp các trường đại học có uy tín trên thế giới và đang có sự liên kết, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Những điểm mạnh đó cho thấy khởi nghiệp đối mới sáng tạo của Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, đối với đa số các nhóm khởi nghiệp trong nước, vấn đề ngôn ngữ vẫn đang còn là một rào cản, thách thức. Do đó, muốn gọi vốn quốc tế, hội nhập vào sân chơi chung với các nước khác, các startup cầm phải cải thiện nhanh các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, cách chinh phục khách hàng, cách tiếp thị làm cho sản phẩm có thể đi ra thị trường quốc tế, hay nói cách khác là cần tìm ra cách để dự án có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên những mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, liên kết thực và ảo, những phương thức kinh doanh mới của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế số. Chưa nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở các địa phương, nhất là ở các vùng xa trung tâm thương mại ý thức được điều này.

“Tôi cho rằng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi vào thực chất hơn nữa, các nhóm khởi nghiệp cần chú trọng tìm kiếm thông tin công nghệ, khai thác kho dữ liệu về tài sản trí tuệ, sáng chế, nghiên cứu tìm hiểu kỹ các mô hình kinh doanh mới, học tập kinh nghiệm từ câu chuyện thành công cũng như bài học thất bại, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh, thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới và nhanh chóng đưa ra thị trường để thử nghiệm theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn. Tức là, cần phải bám sát vào nhu cầu, điều kiện cụ thể của thị trường, khách hàng để xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh. Cách làm đó đang được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay. Không nên xây dựng dự án khởi nghiệp chỉ mang tính chất lý thuyết, mơ hồ, không dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, số liệu thị trườngcụ thể. Đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần chú ý xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ và thực tế thử nghiệm thị trường càng nhiều càng tốt”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Năm 2017, hoạt động khởi nghiệp đã đi vào thực chất nhiều hơn. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh tư vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp

Hiện nay, sự hưởng ứng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã đến từ rất nhiều các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và đặc biệt là các trường đại học. Đây sẽ là nguồn đầu vào rất quan trọng cho hệ sinh thái. Các quỹ đầu tư trong nước bắt đầu hình thành, các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài đã quan tâm và đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đi ra nước ngoài để tham gia các sự kiện gọi vốn và liên kết, tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư, nhà tư vấn cũng nhiều hơn. Cơ sở hạ tầng, không gian làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hình thành ở nhiều địa phương. Đây là những dấu hiệu cho thấy năm 2018 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển theo chiều sâu, dựa trên công nghệ và mô hình kinh doanh hiện đại.

Theo TS. Phạm Hồng Quất, ngoài việc xây dựng thể chế, ban hành chính sách, tạo ra không gian làm việc chung, cung cấp phương tiện, kỹ thuật rất cần thiết cho khởi nghiệp, vấn đề quan trọng nữa là cần tạo ra môi trường để các bạn trẻ tiếp thu được kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia tốt.

“Hiện nay, cơ chế đãi ngộ chuyên gia giỏi, tiếp nhận chuyên gia quốc tế, nhóm khởi nghiệp quốc tế về Việt Nam để các bạn trẻ có thể trực tiếp cọ sát, học tập vẫn còn đang rất thiếu. Cơ chế đưa các bạn khởi nghiệp trong nước đến các trung tâm khởi nghiệp lớn trên thế giới, thực sự làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế cũng đang rất thiếu. Chúng ta mới đang chỉ làm được một số hoạt động hỗ trợ, liên kết ở phạm vi địa phương và phạm vi quốc gia, điều này sẽ rất khó cho các nhóm khởi nghiệp trong nước có thể tạo ra mô hình kinh doanh có quy mô toàn cầu.

Do đó, tính liên kết quốc tế, khả năng kêu gọi chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam và hoạt động đưa chuyên gia, nhà đầu tư, nhóm khởi nghiệp của chúng ta ra thị trường nước ngoài để trải nghiệm, học tập, kết nối cần phải được quan tâm đầu tư đúng mức. Cơ quan nhà nước và các nhà tư vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp phải cùng phối hợp thực hiện hết sức tập trung những hoạt động này thì mới có thể mang lại hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp trong nước", TS. Phạm Hồng Quất chia sẻ.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang