Toàn cảnh vụ đấu thầu viễn thông Myanmar

author 10:28 29/06/2013

(VietQ.vn)- Hàng loạt chính sách cải cách cả về chính trị lẫn kinh tế mới đây tại Myanmar đã thuyết phục được Mỹ và châu Âu nới bỏ hầu hết các cấm vận kinh tế. Sau cú lột xác này, Myanmar đang trở thành một "mỏ vàng" mới nổi.

Sốt vì 'mỏ vàng' Myanmar
 
Myanmar rất giàu năng lượng, đá quý (ngọc bích, hồng ngọc), gỗ tếch, đồng và than đá. Năm tài chính 2010 - 2011, doanh thu xuất khẩu ngọc bích của Myanmar đạt trên 1,75 tỷ USD, chiếm một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu. Mỹ đã cấm nhập khẩu sản phẩm này của Myanmar từ năm 2008. Quốc gia này cũng có lượng hồng ngọc dồi dào. Đá quý, đặc biệt là hồng ngọc, chính là nguồn doanh thu lớn thứ ba cho Myanmar khi còn nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội.
Myanmar có rất nhiều đá quý, đặc biệt là ngọc bích.
Myanmar có rất nhiều đá quý, đặc biệt là ngọc bích. Ảnh VnExpress
 
Theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, Myanmar được xếp vào một trong những nước có nền viễn thông kém phát triển nhất thế giới với việc nước này có 60 triệu dân nhưng chỉ có 5% bộ phận dân cư được tiếp cận với các dịch vụ điện thoại di động và Internet. Đây là một khó khăn với Myanma trong việc phát triển kinh tế nhưng điều này lại biến Myanma trở thành một mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp Viễn thông và Internet trước những khó khăn do sự bão hòa về thị trường tại nhiều quốc gia khác.
 
Tháng 1, Chính phủ Myanmar tuyên bố sẽ cấp quyền khai thác dịch vụ viễn thông trên toàn đất nước cho hai công ty với thời hạn 15 năm. Đây là nỗ lực mới nhất của họ nhằm tự do hóa ngành viễn thông đang chậm phát triển. Việc này cũng sẽ nâng tổng số nhà mạng ở Myanmar lên 4. Myanmar cũng tuyên bố mục tiêu của họ là khiến "viễn thông phủ sóng cả ở thành thị và nông thôn với giá cả hợp lý. Người dân và doanh nghiệp cũng được quyền chọn dịch vụ cho riêng mình". Soros thì nhận xét: "Tự do hóa ngành viễn thông sẽ là cú huých lớn với kinh tế Myanmar".
 
Các nhà đầu tư đang xếp hàng dài để thâm nhập thị trường Myanmar mới mở cửa. Vì ở đây hiện chỉ có gần 10% trong 64 triệu người dân được tiếp cận điện thoại di động. Chính phủ Myanmar đã tuyên bố muốn nâng tỷ lệ này lên 80% năm 2016. 
 
Cuộc đua viễn thông
 
Tháng 2, Chính phủ Myanmar cũng cho biết có tới 91 công ty đã bày tỏ sự quan tâm với hai giấy phép kinh doanh lần này. Đầu tháng 4, Myanmar đã công bố danh sách 12 ứng cử viên được quyền đấu thầu hai giấy phép kinh doanh viễn thông, trong đó có Viettel.
Điện thoại di động vẫn còn là dịch vụ xa xỉ với người Myanmar. Ảnh: AFP
Điện thoại di động vẫn còn là dịch vụ xa xỉ với người Myanmar. Ảnh: AFP
 
Vodafone (Anh) và China Mobile (Trung Quốc) - hai nhà mạng lớn nhất thế giới nhận xét: "Myanmar sẽ là thị trường mới quan trọng đối với ngành công nghiệp di động toàn cầu. Phiên đấu giá cũng là dịp để họ tăng tốc hòa nhập kinh tế - xã hội với thế giới".
 
Ngày 31/5 liên minh Vodafone và China Mobile đã tuyên bố rút khỏi cuộc đấu thầu giành giấy phép kinh doanh viễn thông tại Myanmar sau khi tính toán lợi nhuận không đủ bù chi phí đầu tư. Người phát ngôn của Vodafone cũng tiết lộ một trong những lo ngại của công ty này chính là việc dự luật sửa đổi luật viễn thông tại đây chưa có hiệu lực trước khi Myanmar chọn được hai công ty thắng thầu ngày 27/6.
 
Sự rút lui của liên minh "đáng gườm" nhất trong cuộc chạy đua vào thị trường viễn thông Myanmar mở thêm cơ hội cạnh tranh cho Tập đoàn Viettel. Đại diện doanh nghiệp từ chối đưa bình luận ở thời điểm hiện tại. Một nguồn tin khác từ Viettel cho biết đây đang là giai đoạn căng thẳng để giành một trong hai chiếc vé trở thành nhà mạng tại Myanmar sẽ được công bố vào ngày 27/6 tới.
 
"Sắp tới sẽ phải trình bày phương án kinh doanh trước hội đồng để xét duyệt, nhân lực cấp cao của tập đoàn đều được huy động để chuẩn bị. Dù cơ hội lớn 99% nhưng không có nghĩa chắc chắn thành công", nguồn tin chia sẻ.
 
Ngày 27- 06, Thein Nyunt, Chủ tịch Đảng Dân chủ quốc gia mới tại Myanmar cho biết: "Một nghị sĩ Hạ viện đã đề xuất hoãn chọn hai công ty viễn thông cho đến khi luật mới được ban hành". Theo ông, không nghị sĩ nào phản đối đề xuất này. 
 
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của Hạ viện, Hội đồng Đánh giá và Sàng lọc nhà thầu viễn thông Myanmar (TOTSC) tối 27/6 vẫn quyết định công bố hai công ty được nhận giấy phép kinh doanh là Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar. Hai hãng này vượt qua 9 ứng cử viên khác đã lọt vào danh sách rút gọn, trong đó có cả liên minh của tỷ phú đầu tư George Soros - hãng di động Digicel (Jamaica) - Công ty bất động sản Serge Pun và Viettel của Việt Nam.
 
Kết quả trên đã chấm dứt cuộc đua ròng rã 6 tháng của 91 ứng cử viên quan tâm đến hai giấy phép kinh doanh viễn thông tại Myanmar. Hai giấy phép có thời hạn 15 năm với quyền khai thác viễn thông trên phạm vi cả nước.
 
Công ty trúng thầu sẽ phải đảm bảo cung cấp dịch vụ thoại trên 75% tỉnh thành Myanmar trong vòng 5 năm và dịch vụ truyền dữ liệu tại một nửa đất nước. Đến nay, mới có gần 10% dân số Myanmar được tiếp cận điện thoại di động. Sigve Brekke, Giám đốc Telenor châu Á cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với Chính phủ và người dân Myanmar để đẩy mạnh viễn thông. Đây là ngành công nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại Myanmar".
Hà Nho (Tổng hợp)
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang