Kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam

author 16:08 09/03/2021

(VietQ.vn) - Ban chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng có văn bản yêu cầu các Bộ Tài chính, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng và Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai và các địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam thời gian qua.

 Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu kiểm tra chặt chẽ việc doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Ảnh minh họa

Văn bản yêu cầu cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong thị trường nội địa, nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP.HCM, để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm, như về nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để lực lượng chức năng thuận lợi kiểm tra, kiểm soát.

Văn bản này của Ban chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 18/1 liên quan đến các thông tin phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ.

Ngay sau đó, trong tháng 1 và tháng 2, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan cũng lần lượt có công văn về việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu cá tầm.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập về Việt Nam qua 2 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) trong 2 tháng đầu năm nay đã đạt 812 tấn. Con số này tương đương 81,2% sản lượng năm 2020.

Thời gian vừa qua, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã liên tục có các văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan “cầu cứu” về tình hình kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Nếu như trước đây cá tầm Việt Nam xuất tại trang trại với giá 160.000 đồng/kg thì cá tầm Trung Quốc nhập khẩu luôn bán ở thị trường thấp hơn vài chục nghìn/kg. Nếu các hộ nuôi hạ giá xuống 140.000 đồng/kg để cạnh tranh thì cá tầm Trung Quốc lại hạ tiếp xuống 130.000 đồng rồi 120.000 đồng/kg. Đồng nghĩa dù có chấp nhận lỗ, hạ giá xuống để bán thì cũng không thể cạnh tranh được với cá tầm Trung Quốc nuôi công nghiệp, giá thành rẻ như hiện nay.

Tình trạng này khiến hàng loạt doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước ở Lâm Đồng, Kon Tum, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái... có nguy cơ phá sản. Nhiều trang trại buộc phải để hoang phế, nước đọng cạn đáy...

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang