Trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Quân về phát triển KHCN (Bài 1)

author 06:00 06/11/2012

(VietQ.vn) - Đa số chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất với quan điểm cần có chế tài mang tính bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho KH-CN với các tỉ lệ tối thiểu khác nhau do Chính phủ quy định, đảm bảo sự bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Lời Tòa soạn: Chất lượng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu loạt bài của Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân về vấn đề phát triển KHCN nước nhà. Tít bài và các tít phụ do tòa soạn đặt, để tiện cho bạn đọc theo dõi.

Đầu tư cho KHCN đem lại nhiều kết quả thắng lợi.
Đầu tư cho KHCN đem lại nhiều kết quả thắng lợi.

Các nước đầu tư lớn cho khoa học

Tổng đầu tư xã hội cho KH-CN của một quốc gia được tính là tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động KH-CN trong một năm từ 3 nguồn: Ngân sách nhà nước (NSNN), hoạt động hợp tác quốc tế (vốn ODA, chương trình hợp tác nghiên cứu,…), và đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (các thành phần kinh tế, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp). Trong nền kinh tế kế hoạch hóa thì NSNN đóng vai trò chủ yếu, vì thế mặc dù Việt Nam đã bắt đầu bước vào nền kinh tế thị trường, chúng ta vẫn mang nặng tư duy dựa vào NSNN và cho đến nay nguồn kinh phí từ NSNN vẫn chiếm khoảng 65% đầu tư xã hội cho KH-CN.

Từ khi Luật khoa học và công nghệ được ban hành năm 2000 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, dành 2% tổng chi Ngân sách nhà nước hàng năm (tương đương khoảng 0,5-0,6% GDP) cho KH-CN. Kianh phí thu hút được từ hoạt động hợp tác quốc tế có tăng lên hàng năm thông qua vốn hỗ trợ phát triển ODA và các dự án hợp tác nghiên cứu chung, năm 2011 đã đóng góp khoảng 5% tổng đầu tư xã hội. 30% còn lại là nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tính từ cả 3 nguồn trên, tổng đầu tư của xã hội cho KH-CN trong năm 2011 đạt khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, hay khoảng 1% GDP quốc gia.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, quốc gia nào có nền KH-CN càng phát triển thì tỉ trọng đầu tư cho KH-CN của khu vực ngoài nhà nước so với NSNN càng lớn, ví dụ ở các nước phát triển như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản tỉ trọng này thường là 3:1 đến 4:1. Trung Quốc cũng đã đạt được tỉ trọng 3:1 trong năm 2011. NSNN chỉ đảm bảo tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phục vụ lợi ích chung của quốc gia.

Điều này đơn giản là vì, dù được Nhà nước quan tâm đến đâu hay hoạt động hợp tác quốc tế tích cực thế nào, thì nguồn lực của cả 2 thành phần này đều có giới hạn, không thể so sánh với tiềm lực dồi dào của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là của khối doanh nghiệp. Sở dĩ cho đến nay, đầu tư của NSNN vẫn còn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng đầu tư cho KH-CN là do tư duy bao cấp, kế hoạch hóa vẫn còn nặng nề trong nền kinh tế, đặc biệt là trong khối các doanh nghiệp nhà nước.

Đầu tư cho KH-CN để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa gắn liền với lợi ích thiết thân của doanh nghiệp. Nhà nước cũng chưa có chính sách thích hợp để doanh nghiệp phải đầu tư cho phát triển KH-CN. Từ góc độ hợp tác quốc tế, tư duy dựa vào viện trợ, tài trợ của nước ngoài trong hoạt động KH-CN đã đến lúc phải được đổi mới bằng tư duy cùng đầu tư và hợp tác nghiên cứu nhằm thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư từ nước ngoài.

Làm thế nào để huy động đầu tư xã hội cho KH - CN?

Để huy động đầu tư xã hội cho KH-CN, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ để tăng cường đầu tư từ cả 3 nguồn kể trên.

Cần nhiều nguồn lực đầu tư cho KHCN.
Cần nhiều nguồn lực đầu tư cho KHCN.

Trước hết, với đầu tư từ NSNN, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI đã yêu cầu: duy trì mức tối thiểu 2% tổng chi Ngân sách hàng năm dành cho KH-CN và phấn đấu nâng cao tỉ lệ này khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tốt hơn. Mặc dù có giá trị tuyệt đối không lớn (khoảng 14.000 tỉ đồng cho năm 2012), nhưng 2% tổng chi NSNN dành cho KH-CN là một tỉ lệ khá cao, thậm chí so với các nước có nền KH-CN phát triển (ngay cả các quốc gia như Mỹ, Nhật bản, châu Âu, tỉ lệ này cũng chỉ 0,3-0,4% GDP quốc gia). Điều này thể hiện sự quan tâm và cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với KH-CN.

Ngay cả khi duy trì ngân sách dành cho KH-CN ở mức 2% thì giá trị tuyệt đối của khoản kinh phí này cũng được tăng lên hàng năm tương ứng với mức tăng của tổng chi NSNN (trung bình 16,5%/năm cho những năm gần đây). Chúng ta sẽ tập trung nguồn NSNN cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và triển khai các chương trình quốc gia về KH-CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chú trọng các sản phẩm quốc gia, các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng và đổi mới phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ cho các tổ chức KH-CN công lập.

Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, sau khi gia nhập WTO và vượt qua ngưỡng quốc gia kém phát triển, Chính phủ đã quan tâm hơn đến các hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài. Chúng ta đã chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học để đối ứng cho các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài thông qua các đề tài nghiên cứu chung theo Nghị định thư. Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với sự thay đổi trong chính sách sử dụng ODA của các nước phát triển.

Các quốc gia này đang chuyển dần sang hướng hỗ trợ cho KH-CN và giảm dần hình thức tài trợ hoàn toàn, đòi hỏi sự hợp tác bình đẳng, cùng chia sẻ trách nhiệm để cùng có lợi. Đối với nướác ta, trong hợp tác và hội nhập quốc tế theo chiều sâu, cần có kinh phí của mình để chủ động trong việc đặt vấn đề hợp tác, trong đàm phán, trong tìm kiếm đối tác để giải quyết những vấn đề của Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Kết quả là trong 5 năm từ 2006 - 2010, thông qua các nhiệm vụ theo Nghị định thư, số kinh phí phía đối tác bỏ ra để cùng thực hiện với ta đạt 128 triệu đô la Mỹ, trong khi số kinh phí đối ứng cấp từ ngân sách sự nghiệp khoa học là gần 365 tỷ VND (khoảng 19,2 triệu USD).

Theo tỷ lệ này, 1 đồng kinh phí ta bỏ ra, huy động được 6,6 đồng của đối tác. Số kinh phí này chưa bao gồm các khoản ‘phi tiền tệ’ khác Việt Nam được thụ hưởng như đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ Việt Nam ở nước ngoài, các trang thiết bị nghiên cứu được để lại cho các đơn vị Việt Nam khi kết thúc dự án. Vì vậy, khai thác nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động KH-CN sẽ tiếp tục là giải pháp quan trọng trong giai đoạn tới.

Đầu tư từ doanh nghiệp là yếu tố quyết định

Mặc dù đầu tư từ NSNN và hoạt động hợp tác quốc tế trước mắt vẫn có tỉ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội, nhưng khối các doanh nghiệp mới là khu vực có nhiều tiềm lực và tiềm năng nhất để thu hút đầu tư cho KH-CN. Hiện nay, nước ta có hơn 600.000 doanh nghiệp, trong đó có 111 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước với nguồn lực rất lớn về vốn và nguồn nhân lực (năm 2008, khi xây dựng Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tính toán rằng, nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều trích 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, thì tổng vốn các quỹ này thu hút được là 13.500 tỉ đồng, gấp 2 lần đầu tư từ NSNN năm 2008 (7.000 tỉ đồng). Như vậy, chỉ cần tất cả các doanh nghiệp trích 10% thu nhập trước thuế để đầu tư cho KH-CN, chúng ta đã có thể hoàn thành mục tiêu tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP vào năm 2010).

Ngoài ra, trong khi phần lớn kinh phí NSNN được dành cho chi thường xuyên của các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập và chi đầu tư phát triển, chỉ có hơn 10% là thực sự dành cho hoạt động nghiên cứu, thì tỉ lệ này ở các doanh nghiệp gần như là 100% cho hoạt động nghiên cứu và phát triển do không phải chi thường xuyên (lương và hoạt động bộ máy) từ nguồn dành cho KH-CN. Việc chi tiêu cho KH-CN từ nguồn vốn của doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với sử dụng NSNN, vốn được quản lý rất chặt chẽ theo Luật NSNN với nhiều thủ tục phức tạp.

Hơn thế nữa, việc tham gia vào nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Chính vì những lý do đó mà doanh nghiệp mới là đối tượng chính mà các chính sách của Nhà nước cần hướng tới khi huy động đầu tư cho KH-CN.

Từ năm 2008, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN đã được quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên cho đến nay kết quả thu hút đầu tư không đạt được như mong muốn. Nguyên nhân đầu tiên là tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Sau nhiều năm hoạt động trong nền kinh tế kế hoạch hóa với tính cạnh tranh thấp, các doanh nghiệp đã quen với việc kinh doanh không cạnh tranh và không có nhu cầu cải tiến sản phẩm.

Các doanh nghiệp nhà nước ỷ lại vào lợi thế độc quyền mà không quan tâm đến việc đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Khi có nhu cầu đổi mới công nghệ thì thường mua công nghệ của nước ngoài thay vì đầu tư nghiên cứu để làm chủ và sáng tạo ra công nghệ mới. Một số tập đoàn, tổng công ty khi được Nhà nước giao cho các viện nghiên cứu thì không đầu tư, không giao nhiệm vụ nghiên cứu, dẫn tới các viện nghiên cứu này phải tách khỏi doanh nghiệp trở về trực thuộc các Bộ. 

Nguyên nhân thứ hai là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mặc dù số lượng doanh nghiệp rất đông đảo, nhưng với doanh thu thấp, năng suất lao động thấp, chi phí hoạt động ngày càng cao, lợi nhuận trước thuế của từng doanh nghiệp là không nhiều. Vì vậy, kể cả khi các doanh nghiệp trích tối đa tỉ lệ mà Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép là 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho hoạt động KH-CN của doanh nghiệp thì giá trị của khoản đầu tư này cũng rất nhỏ, không đủ để đổi mới công nghệ.

Trong khi đó, chưa có quy định cho phép các doanh nghiệp có thể tự nguyện trích phần đầu tư này cho quỹ phát triển KH-CN của địa phương nhằm “tích tiểu thành đại”. Cuối cùng là các bất cập trong chính sách của Nhà nước đối với việc huy động đầu tư của các doanh nghiệp cho KH-CN. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực năm 2008 chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư cho KH-CN, và các doanh nghiệp chỉ “được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế” cho quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp. Sở dĩ có mức trần 10% vì có ý kiến cho rằng, nếu không giới hạn tỉ lệ này thì có thể các doanh nghiệp sẽ trích phần lớn, thậm chí toàn bộ thu nhập trước thuế cho quỹ phát triển KH-CN, như vậy Nhà nước sẽ mất nguồn thu đáng kể từ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lo ngại này là không có cơ sở thực tiễn, vì doanh nghiệp nào cũng phải có lợi nhuận sau thuế để đảm bảo tái đầu tư và đời sống người lao động. Hơn nữa, đầu tư cho KH-CN là đầu tư cho phát triển, kể cả khi các doanh nghiệp trích phần lớn lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH-CN nhằm đổi mới công nghệ và thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm thì trong dài hạn, khoản đầu tư này sẽ làm tăng nhanh doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp những năm sau đó và qua đó, doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho NSNN thông qua thuế.

Đó cũng chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Các quy định hiện hành về quản lý quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp cũng chưa tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng thuận lợi nguồn kinh phí này, ví dụ quy định nếu doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không đến 70% quỹ sau 5 năm từ năm trích lập thì bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên phần không sử dụng cộng thêm lãi phát sinh (với lãi suất kho bạc) từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Và Nhà nước kiểm soát chi đối với 100% kinh phí của quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp như đối với NSNN, trong khi Nhà nước chỉ ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần kinh phí trích lập quỹ, nghĩa là chỉ 25% được coi là NSNN, còn 75% là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp đều không muốn trích lập quỹ.

Luật khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN

Chính vì các hạn chế trên mà sau 4 năm từ khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực, tình hình thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cho KH-CN vẫn không được cải thiện nhiều so với trước đây. Giải pháp để khắc phục vấn đề này đã được đề ra một cách hệ thống, đồng bộ trong các văn bản quan trọng mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và trình các cấp thẩm quyền gần đây (Đề án phát triển KH-CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng và trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XI; Dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII; Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012; Đề án Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN đã trình Thủ tướng Chính phủ).

Trong đó, hai đề xuất quan trọng nhất là: (1) cần phải Luật hóa quy định có tính bắt buộc các doanh nghiệp trích một tỉ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH-CN. Chính phủ quy định tỉ lệ tối thiểu tùy theo quy mô và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, và không hạn chế tỉ lệ trích tối đa; (2) trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện hoặc chưa có nhu cầu thành lập quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, thì nguồn kinh phí trích lập được có thể đóng góp cho quỹ phát triển KH-CN của Nhà nước ở địa phương.

Qua các cuộc thảo luận, trao đổi, xuất hiện một vài ý kiến băn khoăn về các đề xuất này. Có ý kiến cho rằng các vấn đề liên quan đến thuế thì nên được quy định trong các luật chuyên ngành về thuế, không nên quy định trong các luật khác để tránh chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, KH-CN đã được Đảng ta khẳng định là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, các quy định về thuế cho hoạt động KH-CN, một lĩnh vực mang tính đặc thù, cũng cần được xây dựng một cách đặc thù trong luật chuyên ngành.

Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), với các quy định cụ thể trên, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến ngay tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2012) và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013), đảm bảo việc sớm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về KH-CN đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI). Hơn nữa, thời gian không chờ đợi chúng ta, vì chỉ còn 8 năm cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nếu không ban hành chính sách này kịp thời thì khó đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 đã đề ra là tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và 2,0% GDP vào năm 2020.

Cũng có ý kiến cho rằng quy định này chỉ có thể bắt buộc được các doanh nghiệp nhà nước, còn đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì chỉ nên khuyến khích họ đầu tư cho KH-CN. Tuy nhiên, với chủ trương phải tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm dưới 50% cổ phần, số lượng doanh nghiệp nhà nước và nguồn lực kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Vì vậy, nếu quy định có tính bắt buộc chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước thì chế tài này không thực sự mạnh mẽ hơn những quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, và không thay đổi được thực trạng huy động đầu tư từ doanh nghiệp như hiện nay.

Điều đáng mừng là đa số các chuyên gia, các nhà quản lý, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất với quan điểm cần có chế tài mang tính bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho KH-CN với các tỉ lệ tối thiểu khác nhau do Chính phủ quy định, đảm bảo sự bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Về ý kiến cho rằng phần kinh phí đầu tư cho KH-CN chỉ nên dành cho quỹ của chính doanh nghiệp mà không nên huy động vào quỹ của Nhà nước ở địa phương, vì như vậy là bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển một phần lợi nhuận trước thuế cho một quỹ của Nhà nước khi doanh nghiệp không có nhu cầu đầu tư cho KH-CN: như đã phân tích ở trên, việc trích quỹ trước hết ưu tiên cho chính doanh nghiệp sử dụng để đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới. Tuy nhiên đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phần trích được từ lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH-CN của các doanh nghiệp này không đủ để tự đổi mới công nghệ của chính họ.

Đây là lý do chủ yếu của việc phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa thành lập quỹ phát triển KH-CN của mình. Như vậy, nếu chúng ta bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho KH-CN, nhưng không mở ra một kênh khác để doanh nghiệp tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình với Nhà nước thì việc thực hiện các quy định của pháp luật là rất khó khả thi. Việc cho phép các doanh nghiệp có thể đóng góp vào quỹ phát triển KH-CN địa phương còn có tác dụng tập trung vốn đầu tư đổi mới công nghệ cho một số doanh nghiệp chủ lực của địa phương, sau đó quỹ của địa phương có thể lần lượt hỗ trợ đầu tư trở lại cho doanh nghiệp với nguồn kinh phí đủ lớn để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, quỹ của địa phương chỉ được cấp vốn một lần từ NSNN khi mới thành lập. Vốn của quỹ phải được bảo tồn và phát triển thông qua hoạt động. Tuy nhiên, với thực tiễn môi trường kinh doanh ở nước ta hiện nay, các quỹ địa phương rất khó bổ sung thêm kinh phí từ các hoạt động cho vay, tài trợ. Đã có 20 tỉnh, thành phố thành lập quỹ phát triển KH-CN, nhưng nhiều địa phương đang phải đối mặt với khả năng không duy trì được các quỹ này sau một số năm hoạt động do bị mất vốn sau khi tài trợ cho hoạt động nghiên cứu. Chính vì vậy, đóng góp từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chính là nguồn duy trì hoạt động cho quỹ phát triển KH-CN địa phương, để qua đó quỹ này có thể đầu tư ngược lại cho các doanh nghiệp khi cần thiết.

Sau khi Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) được ban hành, cần sớm ban hành các văn bản mới quy định về cơ chế tài chính đối với quỹ của doanh nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trích lập và chi tiêu cho KH-CN từ quỹ của mình. Nhà nước chỉ kiểm soát chi tiêu đối với phần mà doanh nghiệp được hưởng lợi về thuế khi trích lập quỹ. Nếu doanh nghiệp đóng góp cho quỹ của địa phương thì phần đóng góp này cũng phải được miễn thuế như đối với trích lập cho quỹ của doanh nghiệp.

Những tín hiệu lạc quan

Thời gian gần đây, đã có những tín hiệu rất khả quan trong việc huy động đầu tư cho KH-CN từ các doanh nghiệp, điển hình là Tập đoàn Viễn thông quân đội và Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Hai tập đoàn này đã thành lập các viện nghiên cứu và phát triển của mình và trích tỉ lệ tối đa được phép hiện nay là 10% thu nhập tính thuế để đầu tư cho các viện nghiên cứu này (với tổng kinh phí gần 4.500 tỉ đồng, xấp xỉ 30% NSNN chi cho KH-CN năm 2012, tương đương toàn bộ đầu tư của doanh nghiệp cả nước cho KH-CN năm 2011).

Tuy nhiên, với các chính sách và quy định hiện hành, số lượng doanh nghiệp chủ động đầu tư cho KH-CN mạnh mẽ như hai tập đoàn trên là rất ít ỏi. Chính 2 tập đoàn kể trên cũng phản ảnh là không thể sử dụng hết nguồn kinh phí này. Để đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 và triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về KH-CN, những giải pháp quyết liệt như đã nêu ở trên là hết sức cần thiết và cần phải được quy định cụ thể ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động KH-CN. Có như vậy, KH-CN mới có thêm một nguồn lực to lớn để phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TS Nguyễn Quân

(Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng KH&CN)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang