Doanh nghiệp có thể đặt hàng cho nhà khoa học

author 06:15 05/11/2012

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp chính là nơi ứng dụng, tiếp nhận kết quả của các nhà khoa học để đưa nó vào sản xuất kinh doanh.

Ngày 4/11, Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân đã trả lời VTV các vấn đề về phát triển KHCN

Bộ trưởng Nguyễn Quân từng công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Quân từng công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tìm nguồn lực cho khoa học

PV: Thưa Bộ trưởng, chúng ta sẽ lấy kinh phí ở đâu đủ để biến hoạt động khoa học và công nghệ trở thành một quốc sách lâu dài như là mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi?

-Từ năm 2000, Quốc hội đã phê chuẩn hàng năm giành 2% tổng chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ và trong hơn 10 năm qua thì mức độ chi này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, ở việt Nam chúng ta việc huy động đầu tư của xã hội cho khoa học công nghệ thì còn rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp hầu như không chịu đầu tư cho đổi mới công nghệ của chính họ cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học công nghệ của đất nước.

Vì thế lần này luật khoa học và công nghệ sẽ quy định doanh nghiệp phải có nghĩa vụ giành một phần lợi nhuận của họ đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Nhà nước sẽ ưu đãi miễn thuế cho các phần đóng góp này của doanh nghiệp khoa học công nghệ.

PV: Có một số doanh nghiệp đã gửi thư tới chương trình và phàn nàn với cách quản lý tài chính như hiện nay và với thủ tục rườm rà như hiện nay thì họ sẽ từ chối ngay việc giành lợi nhuận đầu tư cho khoa học công nghệ dù là đang đầu tư cho chính doanh nghiệp của họ. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào về những băn khoăn này của các doanh nghiệp?

-Tôi cho rằng băn khoăn của doanh nghiệp là rất chính đáng. Tôi cũng biết có rất nhiều doanh nghiệp muốn giành một phần lợi nhuận, có thể là một phần rất lớn lợi nhuận của họ để đầu tư cho việc đổi mới công nghệ của chính họ. Tuy nhiên, với quy định hiện hành của chúng ta chỉ mang tính khuyến khích và chỉ cho một giới hạn tối đa là 10% lợi nhuận trước thuế thì quả thực là doanh nghiệp, ngay cả có trích cũng không thể đủ nguồn để họ có thể làm được các công việc mà đổi mới công nghệ của chính họ.

Thứ hai nữa là quy định của chúng ta lại quản lý toàn bộ 100% cái phần kinh phí được trích ra cho phát triển khoa học công nghệ như là quản lý phần ngân sách Nhà nước. Trong khi trên thực tế, khi người ta lập cái quỹ này và trích lợi nhuận trước thuế của họ vào quỹ này thì Nhà nước chỉ cho họ có 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hay nói khác đi, 75% còn lại là tiền của doanh nghiệp. Và nếu như họ nộp thuế thì 75% này là lợi nhuận sau thuế và họ hoàn toàn toàn quyền sử dụng phần kinh phí này cho bất kỳ một công việc nào của họ. Nhưng nếu chúng ta quản lý cả 100%  như ngân sách Nhà nước đòi hỏi chế độ kế toán, chứng từ, hóa đơn như là ngân sách Nhà nước thì là một sự cản trở rất lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng nói với tôi, họ đóng thuế còn hơn là phải trích quỹ cho khoa học và công nghệ.

Mong muốn của nhà khoa học

PV: Như Bộ trưởng đã nói thì có kinh phí để đầu tư cho khoa học công nghệ đã khó rồi nhưng khi đã có kinh phí rồi, làm thế nào để tiêu được nó có vẻ cũng không phải dễ. Có một nhà khoa học gửi thư tới cho chương trình và tỏ ý băn khoăn là ông đã được mời tham gia vào một hội thảo khoa học. Ông cũng có một tham luận khá công phu và tốn nhiều chất xám ở đó. Thế nhưng số tiền thù lao nhận được thì cũng hơi thấp. Nhưng điều làm cho ông băn khoăn hơn cả là để nhận được khoản tiền thù lao chính đáng ấy, ông lại phải ký vào một loạt các giấy tờ để hợp thức hóa nó. Không hiểu tại sao ban tổ chức lại phải làm như vậy? Bộ trưởng có biết điều này không và Bộ trưởng nghĩ thế nào về chuyện này?

- Hiện tượng đó là một hiện tượng rất phổ biến và rất nhiều người đã chứng kiến việc đó rồi. Kể cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước khi tham gia vào các đề tài nghiên cứu cũng đã phàn nàn với tôi như vậy. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ quy định của chúng ta, rất lạc hậu và không được cập nhật thường xuyên.

Người ta quy định cái định mức để tham gia vào các hội thảo khoa học hoặc thậm chí là tham luận ở các hội nghị khoa học, rồi phản biện ở các hội nghị khoa học nhưng mà cái định mức rất là thấp. Vì thế, với sự trượt giá và lạm phát với tốc độ lớn như mấy năm vừa rồi thì cái định mức mà chúng ta thành lập, thiếp lập trong mấy năm vừa rồi nó đã trở nên lạc hậu.

Vì vậy, các cơ quan tổ chức các hội thảo sẽ phải bù đắp cho các nhà khoa học tham dự hội thảo bằng cách, có thể nói là không trung thực, là phải hợp thức hóa chứng từ bằng việc yêu cầu các nhà khoa học, nài nỉ các nhà khoa học là phải ký vài ba tờ. Tức là tổ chức một hội thảo nhưng chúng ta làm như là tổ chức nhiều hội thảo và dùng kinh phí của nhiều hội thảo nhỏ ấy để có thể hỗ trợ, bồi dưỡng cho các nhà khoa học tham gia một cái hội thảo duy nhất.

Đây chính là điều làm cho giới khoa học rất bức xúc. Bởi vì họ, hơn ai hết, giới khoa học rất mong muốn là được thể hiện tính khoa học và tính trung thực của mình chứ không muốn vì một lý do nào đó mà phải tự làm những việc trái với mong muốn của mình.

PV: Cuối cùng tôi nghĩ rằng hãy cứ giả định là chúng ta đã có một nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ quốc gia. Cũng cứ giả định rằng chúng ta đã có một cơ chế tài chính minh bạch hơn, công khai và thông thoáng hơn để có thể giải ngân được số tiền đó. Nhưng điều gì có thể đảm bảo được rằng số tiền ấy sẽ được đầu tư một cách hiệu quả? Điều gì sẽ giám sát những đồng tiền đó đi đâu, đi vào chỗ nào?

- Nhà nước, trước hết phải tin vào giới khoa học và giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm khoa học. Đồng thời, vừa rồi Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, chúng ta phải chuyển dần việc xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo phương thức đặt hàng.

Có nghĩa là Nhà nước đứng ra đặt hàng các nhà khoa học để thực hiện một nhiệm vụ theo yêu cầu của Nhà nước. Khi đặt hàng như thế, Nhà nước đảm bảo phải cung cấp kinh phí. Nhà nước đảm bảo tiếp nhận trở lại kết quả nghiên cứu khi thành công và Nhà nước tổ chức đưa kết quả nghiên cứu ấy vào sản xuất và kinh doanh.

Thứ hai là chúng ta phải nâng cao chất lượng của các hội đồng, kể cả các hội đồng về tư vấn xác định nhiệm vụ cũng như các hội đồng về tuyển chọn, xét chọn, hội đồng đánh giá nghiệm thu. Các nhà khoa học tham gia hội đồng ấy có chế độ thù lao thỏa đáng và họ có trách nhiệm cao đối với nhận xét của họ.

Thứ ba nữa là chúng ta phải yêu cầu giới doanh nghiệp phải vào cuộc. Doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng cho các nhà khoa học. Doanh nghiệp chính là nơi ứng dụng, tiếp nhận kết quả của các nhà khoa học để đưa nó vào sản xuất kinh doanh.

Với tất cả những yếu tố đó, chúng tôi hi vọng, thời gian tới, khoa học công nghệ sẽ có hiệu quả hơn so với hiện nay. Còn nếu chúng ta không chịu thay đổi, vẫn cơ chế như hiện nay thì chúng ta không bao giờ khắc phục được những yếu kém của khoa học mà trong Nghị quyết Trung ương 6 vừa rồi đã có đánh giá rất đầy đủ và chính xác.

Và nếu muốn thay đổi thì chúng ta cũng phải thay đổi trước hết là về cơ chế, tổ chức và hoạt động, trong đó đặc biệt là cơ chế tài chính trong khoa học công nghệ.

Thanh Thu (ghi)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang