Trung Quốc 'siết' xe công

author 13:23 27/11/2013

Tân Hoa xã cho biết đây là lần đầu tiên Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc ban hành văn bản dạng luật nhằm siết chặt việc sử dụng xe công. Theo đó, sẽ bãi bỏ hoàn toàn những xe có công dụng đưa đón thông thường và chỉ giữ lại những xe công thật sự cần thiết như thực thi pháp luật, sử dụng trong các dịch vụ khẩn cấp và các mục đích khác theo quy định của Chính phủ Trung Quốc

Hình ảnh những chiếc xe công bóng lộn, hằng ngày đưa đón quan chức nhà nước các địa phương ở Trung Quốc đến trụ sở làm việc sắp đến hồi cáo chung với “Quy định chống lãng phí” ban hành ngày 25-11.

Tân Hoa xã cho biết đây là lần đầu tiên Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc ban hành văn bản dạng luật nhằm siết chặt việc sử dụng xe công. Theo đó, sẽ bãi bỏ hoàn toàn những xe có công dụng đưa đón thông thường và chỉ giữ lại những xe công thật sự cần thiết như thực thi pháp luật, sử dụng trong các dịch vụ khẩn cấp và các mục đích khác theo quy định của Chính phủ Trung Quốc. Trước mắt các quan chức cấp địa phương phải chọn phương tiện giao thông công cộng đi làm và sẽ được trợ cấp chi phí đi lại tương ứng.

Xe công = xe của ông

Giới chuyên gia và công chúng Trung Quốc cho rằng “tham nhũng xe công” không thể loại trừ nếu không cải cách hệ thống mua sắm xe công tồn tại vài chục năm qua ở Trung Quốc, và đây chính là cái cớ để quan chức nhà nước dễ bề “chấm mút” tiền nhà nước.

tq.vietq.vn.jpgXe công được đem ra bán đấu giá ở Quảng Tây hồi tháng 7-2013

Trong thời gian từ giữa tháng 12-2012 đến tháng 9-2013 đã có tới hơn 4.800 trường hợp quan chức sử dụng xe công cho các mục đích cá nhân hoặc mua xe quá sang trọng. Trước thực trạng này, nhiều người dân đã thẳng thừng yêu cầu chính phủ bãi bỏ hệ thống xe công. Nhật Báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết hơn 71% người dân cho rằng quy định quản lý và trừng trị đối tượng “tham nhũng” xe công ở Trung Quốc còn quá lỏng lẻo và họ ủng hộ việc bãi bỏ hệ thống này.

" Có khoảng 2 triệu xe công hạng sang trên toàn Trung Quốc bị bãi bỏ. Các quan chức vi phạm có thể sẽ bị đưa ra công chúng, cách chức, thậm chí buộc thôi việc" Theo báo Tân Ki

Những năm qua, công cuộc chống tham nhũng trong việc sử dụng xe công đã làm tốn hao nhiều giấy mực của truyền thông và dù đối mặt với nguy cơ mất chức nhưng nhiều quan chức Trung Quốc vẫn ngang nhiên “biến” xe công thành xe của riêng mình. Tân Hoa xã cho biết xe biển số nhà nước vẫn nhan nhản đưa đón người nhà các quan đi học, đi dự tiệc, mua sắm và chở gia đình đi du lịch, sau đó khai khống hóa đơn tiền xăng và chi phí sửa chữa để tham nhũng tiền của cơ quan chủ quản. Điển hình như vụ Châu Kiến Lâm, quan chức cảnh sát tỉnh Thanh Hải, đã bị bắt quả tang lái xe công vụ chở gia đình đi thăm người thân ở một tỉnh khác. Tháng 8-2013, phó Phòng Lâm nghiệp thành phố Nam Xương Từ Kiến Bình lái xe công đi nhậu, sau đó tông chết bốn người.

Nhật Báo Trung Quốc mô tả chỉ một buổi sáng đầu tuần, người dân đến trụ sở chính quyền tỉnh Chiết Giang sẽ được mục kích hàng chục xe đủ loại của các hãng danh tiếng trên thế giới đậu san sát trong sân. Những chiếc xe bóng lộn này chỉ để đưa đón quan chức đầu ngành đi từ nhà đến văn phòng làm việc. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Trung Quốc, chi phí mua và bảo trì xe công hằng năm ở Trung Quốc đã ngốn hết 5,92 tỉ nhân dân tệ ngân sách. Trong đó chỉ có 1/3 được dùng mua xe, còn lại tiêu hao vào các khoản xăng dầu, bảo quản xe và trả lương cho tài xế.

Dán nhãn, gắn định vị xe công

Dán nhãn xe công, cung cấp đường dây nóng để người dân nhận diện và tố cáo “tệ nạn lạm dụng xe công” đang trở thành xu hướng chống tham nhũng trong chính quyền các địa phương Trung Quốc.

Các tỉnh Vân Nam và Quảng Đông đã cho dán nhãn toàn bộ xe công để người dân tố cáo nếu phát hiện những chiếc xe này được sử dụng không đúng mục đích. Ngày 23-11, phó Phòng Tuyên truyền huyện Vĩnh Thắng, tỉnh Vân Nam Trần Hiểu Minh cho đăng lên tài khoản Sina Weibo của mình những tấm ảnh một chiếc xe hơi màu đen, dán nhãn “xe công vụ” và sơn dòng chữ “Nghiêm cấm sử dụng xe công vào việc tư” cùng đường dây nóng để người dân trong huyện có thể gọi cơ quan chống tham nhũng, nếu phát hiện xe nhà nước bị lạm dụng cho việc riêng.

Thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam còn trang bị hệ thống định vị cho 4.000 xe công nhằm hạn chế thực trạng các quan thường sử dụng xe công chơi trò ú tim trong các quán bar, nhà hàng, tiệm tắm hơi hay quán karaoke.

Các giải pháp trên đã được dân chúng ủng hộ nhiệt liệt. “Cần nhân rộng mô hình này trên toàn Trung Quốc” - bạn đọc ở Vân Nam nói. Song cũng có ý kiến cho rằng thêm giải pháp sẽ thêm lãng phí vì tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay như nấm mọc sau mưa. “Càng chống càng tham, mỗi lần nhìn thấy những chiếc xe mang biển số quân đội, cảnh sát ghé lại các quán rượu, khu du lịch, ký túc xá sinh viên... chỉ có thể chửi đổng mà thôi”- cư dân mạng Nhị sư huynh Liễu Xa viết.

Tịch thu, bán đấu giá công sở hoành tráng Ngày 25-11, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra quy định tịch thu và bán đấu giá các tòa nhà chính quyền địa phương xây trái phép hoặc quá xa hoa lộng lẫy so với mức ngân sách của địa phương. Theo báo Tài Kinh, biện pháp này nhằm ngăn chặn hiện trạng “tham nhũng” tiền nhà nước trong quá trình chi ngân sách xây dựng trụ sở chính quyền. Hồi tháng 10-2013, chính quyền làng Vân Hạp, tỉnh Hồ Nam đã bị phát hiện xây dựng tòa nhà hành chính bảy tầng với chi phí lên đến 2,5 triệu USD chỉ để cho năm quan chức trong làng và ba trợ lý làm việc.

Theo Tuổi Trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang