Truy xuất nguồn gốc - ‘bảo bối’ cho nông sản Việt

author 11:41 19/06/2021

(VietQ.vn) - Truy xuất nguồn gốc là yếu tố tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý để kiểm tra, rà soát chất lượng các sản phẩm nông sản.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về việc vải thiều Việt Nam được đón nhận và tạo được hiệu ứng tốt tại những thị trường khó tính như Nhật Bản hay Pháp thời gian qua.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). 

- Ông đánh giá như thế nào khi quả vải thiều Hải Dương và Bắc Giang thời gian qua được thị trường trong và ngoài nước đón nhận rất hồ hởi?

Câu chuyện hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, quả vải “nóng lên” thời gian qua từ các chương trình hỗ trợ từ Bộ Công Thương tại hai địa phương là Hải Dương và Bắc Giang cho thấy, việc tiêu thụ và kết nối tiêu thụ hiệu quả và thành công thì cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, từ các cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành...

Trong đó, đầu mối là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và chính quyền địa phương. Đặc biệt là các sở, ngành liên quan tại địa phương trong công tác hoạch định trồng sản phẩm nông sản, kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật liên quan đến doanh nghiệp và hộ nông dân.

Bên cạnh đó là sự chung tay từ cộng đồng doanh nghiệp, gồm thu mua, vận chuyển, phân phối... Ở thời đại 4.0 thì có thêm các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó cũng không thể thiếu đi vai trò của các nhà sản xuất, hộ nông dân. Vì họ chính là người quyết định ra một sản phẩm tốt.

Vai trò của báo chí, truyền thông cũng góp phần thành công cho quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản, cung cấp thông tin về một sản phẩm tốt đến người tiêu dùng.

Như vậy, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản hiện nay không chỉ có hệ thống siêu thị hay nhà phân phối truyền thống, mà phải mang tính tổng thể.

Tóm lại, trong thành công của quả vải thời gian qua đã có sự đóng góp rất tích cực của nhiều bên liên quan.

Vậy, với những sản phẩm nông sản khác ngoài vải thì sao, thưa ông?

Tương tự như quả vải, với những sản phẩm nông sản khác cũng đòi hỏi sự tham gia và cùng chung tay của các đơn vị liên quan thành chuỗi hoạt động nhằm hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản. Việc tiêu thụ bao gồm cả trong nước và xuất khẩu.

Để xuất khẩu thành công thì cần có sự vào cuộc của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống thương vụ này kết hợp cùng các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ cả tiêu thụ trong nước và quốc tế, vì thương mại điện tử là không biên giới.

Như vậy, nếu có được sự hỗ trợ và chung tay của cả cộng đồng, thì tôi tin rằng với bất kỳ sản phẩm nông sản nào của Việt Nam cũng đều tiêu thụ tốt.

Từ câu chuyện quả vải Việt Nam “đắt khách” tại thị trường Pháp, Nhật, cũng như trên các sàn thương mại điện tử, theo ông chúng ta cần phải có chiến lược như thế nào cho các sản phẩm nông sản thời gian tới không còn bị rơi vào tình cảnh được mùa mất giá hay giải cứu?

Mỗi giai đoạn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đều có những yếu tố khách quan mà chúng ta cần phải tính đến. Trong giai đoạn 2020-2021 có yếu tố ngoại cảnh là đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến việc tiêu thụ các loại sản phẩm của các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Khi đại dịch phát sinh thì các hình thức hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo phương thức truyền thống đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ những khó khăn này, việc ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khâu tiêu thụ là giải pháp hiệu quả nhất.

Việc tiêu thụ sản phẩm nông sản hiện nay không chỉ có hệ thống siêu thị hay nhà phân phối truyền thống, mà  phải mang tính tổng thể. 

Tại sao thời điểm này chúng ta mới đẩy mạnh xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu vào những thị trường khó tính hay tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, thưa ông?

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho vấn đề này, đơn cử như tại sao thời gian gần đây chúng ta mới tăng cường thương mại điện tử? Cục Xúc tiến Thương mại mới chỉ đẩy mạnh ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thí điểm (chưa chính thức)?

Thực tế, muốn triển khai được như hôm nay, chúng tôi đã phải làm việc với các đối tác có liên quan, rà soát lại tất cả những hoạt động này cách đây hơn 2 năm, mà không phải bây giờ mới bắt đầu triển khai.

Muốn đưa hệ thống này vào hoạt động thì phải có nền tảng, cơ sở cũng như sự phối hợp chặt chẽ với nhau để khi đi vào hoạt động chính thức mới đem lại hiệu quả.

Với sản phẩm nông sản tại sao bây giờ mới đưa vào thí điểm, đó là hệ thống truy xuất nguồn gốc? Bởi hiện nay yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm đang được xã hội rất quan tâm, đặc biệt là những người tiêu dùng.

Nếu một sản phẩm nông sản không chứng minh được là sản phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà chỉ bằng phương thức từ trước đến nay vẫn thường kinh doanh mua bán, đó là ra chợ hay sạp hoa quả truyền thống để mua những sản phẩm đó. Tuy nhiên, việc mua tại đây có làm cho người tiêu dùng yên tâm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?

Do đó, truy xuất nguồn gốc là yếu tố tạo dựng niềm tin cho người mua, và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý để kiểm tra, rà soát chất lượng các sản phẩm nông sản đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng có được thực hiện theo đúng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm hay không.

Đây là cách hỗ trợ hai chiều, cho cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước khi liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề này chúng tôi đang triển khai và làm thí điểm đến hết tháng 9/2021. Nếu nhận được phản hồi tích cực thì Cục Xúc tiến thương mại sẽ hoàn thiện hệ thống và cho chạy chính thức.

Việc hoạt động chính thức còn phụ thuộc các công đoạn liên quan, trong đó yếu tố lớn nhất là sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Vì đây là nơi kiểm soát, thanh tra, rà soát, cập nhật dữ liệu vào trong hệ thống có đúng thực tế hay không.

Từ việc thành công của quả vải khi được chào đón tại Pháp, Nhật hay trên các sàn thương mại điện tử thời gian qua, theo ông bài học nào có thể rút ra được ở đây cho các loại nông sản khác ngoài quả vải?

Có một số yếu tố cần lưu ý. Thứ nhất, các hộ sản xuất, hộ nông dân, HTX phải đưa ra được sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tiên là giống, quy trình nuôi trồng. Chúng tôi khuyến khích người trồng nên sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc của chúng tôi, hoặc có thể sử dụng các hệ thống tương tự.

Thứ hai, tuyên truyền để chứng minh được đấy là một sản phẩm tốt. Thường các hộ bà con nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, HTX... là những đối tượng không mạnh trong khâu làm thị trường. Do đó rất cần có sự chung tay vào cuộc của các nhà thu mua, phân phối. Đây là những người xây dựng nên các thương hiệu sản phẩm.

Thứ ba, chính quyền địa phương có thể đứng ra xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương theo chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, khi đã có sản phẩm tốt, thương hiệu tốt thì mới thành công trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Bộ Công Thương sẽ tích cực hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm cho tất cả các địa phương nếu có nhu cầu phối hợp, tư vấn, hỗ trợ... cho việc kết nối tiêu thụ.

Ngoài ra, không chỉ có công việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi sẵn sàng hộ trợ cả về khâu kỹ thuật liên quan đến xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, đảm bảo quy trình, quy cách ứng dụng truy xuất nguồn gốc.

Trân trọng cảm ơn ông!

[LONGFORM] Đề án 100 và mục tiêu tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh về truy xuất nguồn gốc(VietQ.vn) - Dự kiến cuối quý IV năm nay, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động với mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, ngành.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang