TS Trần Công Trục: "Trung Quốc tráo trở và giẫm đạp luật pháp quốc tế"

author 13:13 13/05/2014

Việc Trung Quốc thông báo mở rộng phạm vi từ 1 hải lý lên 3 hải lý bảo khu vực xung quanh giàn khoan HD 981 đang đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam là một hành động giẫm đạp lên luật pháp quốc tế.

Theo thông tin mới nhất, Cục Hải sự Trung Quốc đã tiếp tục ra thông báo mở rộng phạm vi khu vực cấm xung quanh giàn khoan HD 981 phạm vi từ 1 hải lý lên 3 hải lý, còn trên thực tế tàu thuyền của Trung Quốc đã phong tỏa  khu vực này với bán kính lên đến 10 hải lý. 

Điều này đã mở rộng vùng bị xâm hại đến an ninh và tự do hàng hải. Việc này không chỉ xâm hại nghiêm trọng đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà trầm trọng hơn, Trung Quốc tiếp tục "giẫm đạp lên luật pháp quốc tế", xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Để giúp người dân, dư luận hiểu rõ hơn về vấn đề này dưới góc nhìn của chuyên gia về vấn đề Biển Đông, PV đã có cuộc phỏng vấn với TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ. 

Thưa ông, hành động leo thang mở rộng phạm vi “vùng cấm” với giàn khoan đặt trái phép này đã xâm phạm như thế nào đối với tự do hàng hải thế giới và khu vực?

Tôi cho rằng, hành động này của Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt chung của cộng đồng các quốc gia trong khu vực cũng như trên quốc tế.

Mặc dù, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam đã được Công ước về Luật biển năm 1982 xác nhận nhưng Trung Quốc vẫn tráo trở đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam. 

Đây là một hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp Công ước về Luật biển mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Hành vi mang lại nhiều nguy cơ cho hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới.

Nguy cơ ở đây không chỉ là xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế mà còn có nguy cơ Trung Quốc đã xem thường, phớt lờ Công ước của Liên Hợp Quốc và Luật biển năm 1982. Một cơ sở pháp lý quan trọng mà nhân loại đã mất hàng thế kỷ để xây dựng và làm cơ sở pháp lý bảo đảm cho quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động vô lý của mình và không có một sự can thiệp kịp thời yêu cầu Trung Quốc rút lui thì rõ ràng, với Trung Quốc, Công ước này sẽ vô giá trị, sẽ bị Trung Quốc "vứt vào sọt rác". Đấy là một nguy cơ quá tráo trở, xem thường quốc tế, xem thường thành quả của nhân loại, mà Trung Quốc đang ngang ngược tiến hành.

Mặt khác, họ bất chấp tất cả những quy định của Công ước về Luật biển nhưng đồng thời lại có ý đồ lợi dụng chính các điều khoản đó để giải thích, áp dụng theo ý muốn chủ quan và theo động cơ của mình để bảo vệ lợi ích của mình, đây cũng là điều mà Trung Quốc đã từng làm và bây giờ họ vẫn tiếp tục.

Có một nguy cơ nữa, đó là hành động đưa giàn khoan đặt nằm sâu trên 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam là một hành động vi phạm đến quyền chủ quyền và quyền tài phán, làm tổn hại đến lợi ích về mặt kinh tế, tài nguyên của Việt Nam. 

Đông thời, để bảo vệ cho những hoạt động sai trái của mình, Trung Quốc còn điều cả lực lượng không quân, hải quân, lực lượng vũ trang nhằm đe dọa, cản trở thậm chí còn hung hăng phun vòi rồng và đâm thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Đây là một điều cho thấy Trung Quốc xem thường luật pháp quốc tế, xem thường các quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc mà Trung Quốc cũng là một thành viên.

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép đồng thời xâm hại tự do hàng hải.

Vậy theo ông, căn cứ nào khẳng định Trung Quốc ngang ngược, giẫm đạp luật pháp quốc tế, xâm hại, không chế quyền tự do hàng hải của cả thế giới, và khu vực?

Công ước Luật Biển 1982 quy định rõ, nếu có bất cứ công trình nhân tạo nào đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chính quốc gia ven biển thì cũng không được phép mở rộng vùng an toàn ra quá 500m. 

Nhưng hành động tráo trở của Trung Quốc, đặt giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam, là một hành động không những sai trái mà còn giẫm đạp lên luật pháp quốc tế. Họ “tự cho mình cái quyền” quy định vùng bảo vệ an toàn là 1 hải lý, rồi tự nâng lên 3 hải lý xung quanh giàn khoan trái phép đó. Thậm chí, Trung Quốc còn dùng tàu, trong đó có tàu quân sự, phong tỏa một phạm vi lên đến 10 hải lý thì đây là một sự hống hách, tráo trở, phớt lờ luật pháp quốc tế bằng sự bịa đặt vô lý và bằng hành động bạo ngược. 

Với phạm vi 10 hải lý thì con đường hàng hải từ Ấn Độ Dương đi qua eo biển lên Đông Bắc Á với hàng trăm con tàu buôn đi qua đây hàng ngày chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Phải chăng Trung Quốc cắm mũi khoan này với một mũi tên đạt được rất nhiều mục tiêu trong đó có vấn đề khống chế tự do hàng hải quốc tế?

Đây là mưu đồ hoàn toàn đi ngược lại với thông lệ quốc tế và ngược lại với chính những tuyên bố của Trung Quốc, khi Trung Quốc phát ngôn rằng họ tôn trọng các tàu thuyền đi qua khu vực này.

Phải chăng theo ông Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam?

Nguy cơ này hiện hữu rất thiết thực. Do đó, đây không còn là vấn đề của riêng Việt Nam nữa, nó là vấn đề quốc tế. Việc làm của Trung Quốc đã gây ra những đe dọa hết sức nghiêm trọng về quyền cũng như lợi ích chính đáng của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tôi tin rằng nếu cộng đồng quốc tế nhận ra được bản chất của Trung Quốc, chắc chắn không ai có thể không quan tâm, không ai không có tiếng nói đóng góp cho cuộc đấu tranh này buộc Trung Quốc phải rút hoàn toàn hành động của mình tại khu vực Biển Đông.

Trung Quốc là một trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Vậy việc Trung Quốc giẫm đạp lên luật pháp quốc tế, coi thường những quy định của Công ước Luật Biển 1982, coi thường quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc, có ảnh hưởng gì đến vị trí, uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế?

Tôi nghĩ rằng với tất cả những gì mà chúng ta cũng như dư luận quốc tế, đặc biệt là những học giả có tiếng tăm về lĩnh vực này đã phân tích và đánh giá  thì rõ ràng không thể nói rằng đây là hành động bình thường được. Đó là hành động bất bình thường, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những quy ước cũng như đạo lý thông thường trong quan hệ quốc tế. 

Qua hành động này, bản thân Trung Quốc sẽ tự làm mất đi địa vị, giá trị của mình với tư cách là một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thậm chí, nếu như tất cả  những điều mà chúng ta đã phân tích trên mà Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động của mình thì tôi nghĩ rằng họ càng ngày càng bóc trần bộ mặt "nói một đường làm một nẻo" đầy tráo trở của mình trước công luận quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang