Tỷ phú làng chài quyết bám trụ Trường Sa

author 18:40 30/03/2015

(VietQ.vn) - Lão ngư Bùi Thanh Ninh - tỷ phú làng chài làm giàu từ biển vừa khiến nhiều người bất ngờ khi viết đơn đề nghị xin 200m2 đất trên đảo Song Tử Tây để dựng nhà dịch vụ giúp ngư dân bám biển.

Sự kiện: Đại gia tỷ phú

Tỷ phú làng chài đi lên từ nghèo khó

Theo Người Đưa Tin, tỷ phú làng chài Bùi Thanh Ninh (57 tuổi) sinh ra ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi 15 tuổi ông Ninh đã theo chiếc ghe nhỏ ra biển mưu sinh. 19 tuổi, ông nhập ngũ làm nghĩa vụ tại Campuchia.

Xuất ngũ trở về lại với hai bàn tay trắng, ông khởi nghiệp bằng chiếc ghe máy 10CV cũ nát, dùng chiếc ghe này đánh cá nuôi sống cả nhà. Ông bắt đầu những chuyến buôn dài ngày, mang cá ra Bắc bán. Sau đó ông chuyển sang mặt hàng hải sản đông lạnh. Nhiều năm dành dụm cũng được ít vốn, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng rồi trực tiếp đi mua gỗ, tự tay vẽ mẫu rồi thuê thợ đóng chiếc tàu theo thiết kế riêng của mình với công suất 30 CV.

Chiếc tàu đầu tiên do ông Ninh đóng chỉ có công suất 30CV nhưng là nỗi ước ao của hàng vạn gia đình ngư dân nghèo khó lúc đó. Vừa làm vừa dành dụm, vài năm sau ông Ninh đóng tiếp chiếc tàu thứ hai với công suất lớn hơn.

Tỷ phú làng chài - Bùi Thanh Ninh vừa viết đơn đề nghị xin đất xây nhà ở đảo Song Tử Tây

Tỷ phú làng chài - Bùi Thanh Ninh vừa viết đơn đề nghị xin đất xây nhà ở đảo Song Tử Tây

Dù chưa được học qua bất cứ trường lớp nào nhưng nhờ sự tìm hiểu và chuyên tâm, ông Ninh đã đóng ra những chiếc tàu vận hành hiệu quả. Cũng nhờ đó mà nhiều người đến đặt hàng đóng tàu của ông. Có năm ông nhận đóng hơn 200 chiếc tàu.

Có nhiều vốn, ông Ninh tiếp tục mở rộng kinh doanh dịch vụ buôn bán ngư lưới cụ, máy móc phục vụ tàu thuyền, thu mua hải sản linh hoạt, năng động... Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đội tàu của tổ đánh bắt thủy sản ông Ninh, bắt đầu vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Với sự chịu khó và ý chí phấn đấu, vươn lên, đến hiện tại, ông Ninh đã quản lý tổ đội 16 tàu tổng công suất trên 6.000 CV. Và biệt danh tỷ phú làm giàu từ biển cũng từ đó mà được nhắc tới.

Ngôi nhà hai tầng của Lão ngư Sáu Ninh (cách gọi thân tình của ngư dân vùng biển này) nằm sát ngay xưởng đóng tàu Hoài Nhơn. Ga-ra được xây dựng lớn để đủ chỗ cho hai chiếc xe con 4 chỗ và 7 chỗ - những chiếc xe phục vụ đắc lực cho hoạt động của tổ đội.

Giờ thì Sáu Ninh đã nổi tiếng khắp tỉnh. Mới đây ông được bầu là đại diện nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bình Định (do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn).

Tỉ phú làng chài trăn trở giúp đỡ xóm giềng

Giờ thì Sáu Ninh đã nổi tiếng khắp tỉnh. Mới đây ông được bầu là đại diện nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bình Định (do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn), Tiền Phong cho biết.

Sở hữu 10 tàu cá, cùng 6 tàu trong tổ đội đánh bắt, tổng cộng 16 tàu với tổng công suất trên 6.000 CV, sản xuất chính là câu cá ngừ đại dương và lưới rút. Nhẩm tính, tổng sản lượng đánh bắt bình quân mỗi năm trên 1 nghìn tấn hải sản, trừ chi phí và trả công cho thuyền viên ông thu về 500 triệu đồng mỗi năm.

Để quản lý đội tàu hùng hậu, ông tự trang bị máy Icom, Radio kết nối liên lạc trực tiếp với các tàu hoạt động ngoài khơi, thường xuyên cập nhật tin tức và nắm bắt tình hình thông qua Đài Duyên hải khiến việc quản lý trở nên dễ dàng.

Ông chỉ vào chiếc bản đồ trải ngay ngắn và ép kính trên mặt bàn, nói: “Ngồi ở đây nhưng tôi có thể biết được vị trí hoạt động của từng tàu. Gặp sự cố gì sẽ kêu gọi các tàu xung quanh tới hỗ trợ và kịp thời liên lạc với cơ quan chức năng cùng xử lý nếu cần”.

Mỗi tài công (quản lý tàu) của Sáu Ninh thường có 25% đến 50% số vốn góp, điều này tăng thêm tính trách nhiệm trong làm ăn. Ông bật mí, ngoài việc khuyến khích chiêu mộ các tài công, thuyền viên bám biển cần tạo dựng niềm tin và cả trách nhiệm với bạn tàu.

Hiện có 200 lao động trực tiếp tham gia trên đội tàu Sáu Ninh, ngoài ra 50 người khác xin đảm nhận các công việc dịch vụ hậu cần trong bờ. Theo ông, chất kết nối bạn tàu lâu bền chính là việc gây dựng niềm tin.

Ngoài tạo thu nhập ổn định, mỗi dịp lễ tết ông đều không quên chu cấp quà, hỗ trợ tiền, sẵn sàng giúp đỡ những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn để dựng nhà, vốn mưu sinh.

“Mình cũng từ cái nghèo mà, nên càng phải thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Việc mưu sinh cũng tạm ổn rồi, kinh tế cũng chỉ là một phần thôi, cốt là mình làm được gì cho dân mình, sống thế nào cho ý nghĩa” – ông tâm sự.

Quyết bám trụ ở Trường Sa

Về chuyện xin đất xây nhà trên đảo Song Tử Tây, ông cho biết mới nghe phía Sở phong thanh rằng Hải quân vùng 4 đã đồng ý, không chỉ cấp đất mà còn giúp cất nhà nên đang sướng rơn người. Thấy ngư dân gắn bó với biển thời gian nhiều hơn trên đất liền, yêu từng mét nước, xem biển là nhà nên nảy sinh ý định xin đất dựng nhà dịch vụ, làm nơi nghỉ chân cho ngư dân, hơn nữa cũng là cách kết nối đảo với đất liền. Nghĩ thế, ông bèn viết đơn gửi UBND tỉnh nhờ trình lên Bộ Quốc phòng, Hải quân vùng 4 để được bố trí xin đất trên đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa).

Một góc đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa

Một góc đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa

Trong đơn ông ghi rõ “…Nguyện vọng tôi xin một lô đất 200m2 tại huyện Trường Sa thuộc đảo Song Tử Tây, nhằm mục đích: Một là, xây dựng trạm cho tổ đội đánh bắt thủy sản ra vào. Hai là, để giảm bớt chi phí nguyên liệu. Ba là, thời gian bám biển dài ngày hơn. Bốn là, nối đảo với đất liền gần nhau. Năm là, để khẳng định chủ quyền Tổ quốc và chủ trương bám biển”. Đơn đề nghị của ông được ông Phan Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc xác nhận ngày 18/7/2014. Huyện Hoài Nhơn tiếp tục trình UBND tỉnh xem xét.

Khi được hỏi để xác tín và khẳng định thêm thông tin ông xin đất dựng nhà nơi đảo xa, ông Ninh tái khẳng định: “Chưa có văn bản chính thức nhưng mới đây nghe một cán bộ Sở Nông nghiệp phong thanh rằng Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 đã đồng ý. Nguyện vọng mình chỉ xin đất nhưng họ đồng ý hỗ trợ để xây cả nhà nên tôi vui lắm. Lại sắp có chuyến ra Trường Sa rồi” - ông khấp khởi, mắt dõi về phía biển. Có thể ông còn phải chờ phải đợi với những quy trình, thủ tục, nhưng những ngư dân như ông đã có những ngôi nhà nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió neo bám trong tâm thức mình, vững bền.

Phương Trâm (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang