Vắc-xin ‘xách tay’: Nên thận trọng với hàng rởm

authorUyên Chi 12:30 04/01/2016

(VietQ.vn) - Chuyên gia y tế khuyến cáo, hãy cảnh giác với loại vắc-xin Pentaxim giả trên thị trường chợ đen

Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim đang tạo nên cơn sốt tại Việt Nam

Quá lo lắng cho con cái mình trước "cơn sốt" vắc-xin dịch vụ Pentaxim, nhiều phụ huynh vẫn quyết định tìm mua những mũi tiêm theo đường "xách tay" từ nước ngoài. Chuyên gia y tế khuyến cáo, vắc-xin “xách tay” nếu không tuân thủ đủ quy trình bảo quản trong quá trình vận chuyển dễ dẫn đến tình trạng hỏng, cực kỳ nguy hiểm cho trẻ.

Bí quá hòa liều

Cơn sốt tiêm chủng vắc-xin chưa và có lẽ không bao giờ hạ nhiệt, mà thậm chí càng ngày càng trở nên phức tạp. Nóng ruột vì phải chờ đợi vắc-xin, nhiều gia đình quyết định đưa con sang Singapore tiêm phòng dù chi phí đắt hơn 3-4 lần. Nhưng số hiếm này chỉ với các gia đình khá giả, còn với một số phụ huynh không kịp đăng ký trong đợt tiêm chủng cho con em trong đợt vừa qua, vắc-xin “xách tay” là một biện pháp được tính đến. 

 Vắc-xin ‘xách tay’: Nên thận trọng với hàng rởm

Vắc -xin xách tay được quảng cáo trên mạng xã hội

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình không nên sử dụng các mũi vắc-xin cho trẻ nhỏ bằng con đường "xách tay" cá nhân. Bởi lẽ việc vận chuyển vắc-xin cần có một quy trình chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho vắc-xin sống khi về nước vẫn không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhiệt độ bên ngoài và rất nhiều yếu tố nghiêm ngặt khác. Kể cả việc bảo quản và bắt đầu xé vỏ để tiêm cho trẻ em đều cần sự giám sát của các cán bộ y tế. 

Việc phụ huynh cho con cái mình sử dụng những mũi tiêm được chuyển bằng được "xách tay" hay nhờ người thân mua hộ để đưa về đã không tuân thủ đủ quy trình bảo quản vắc-xin, dễ dẫn đến tình trạng hỏng. Nếu tiêm vào trẻ em thì rất nguy hiểm.

Hàng “xách tay” hay… hàng rởm?

Với vắc-xin Pentaxim xách tay, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cùng các tiêu chuẩn an toàn của những loại này là không thể thẩm định, dù rằng có giá “cắt cổ”. Mới đây, cảnh sát Ấn Độ cho biết họ đã kiểm tra phát hiện và bắt giữ một nhà máy sản xuất vắc-xin Pentaxim giả bang Odisha. Truyền thông nước này dẫn nguồn từ nhà sản xuất Sanofi Pastuer xác nhận đây là những lô vắc-xin giả và khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng vắc-xin được nhập khẩu từ những nguồn không rõ ràng, hoặc thông qua hàng xách tay.

 Vắc-xin ‘xách tay’: Nên thận trọng với hàng rởmTruyền thông Ấn Độ đưa tin về vụ việc phát hiện và bắt giữ một nhà máy sản xuất vắc-xin Pentaxim giả tại nước này

Ngành y tế khẳng định, vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đủ để đáp ứng nhu cầu chích ngừa cho trẻ em trên cả nước. Thời gian qua phần lớn những vụ việc liên squan đến phản ứng phụ, tai biến sau tiêm Quinvaxem dù được xác định là do bệnh lý nền đi kèm ở trẻ gây ra, nhưng phụ huynh có con nhỏ đều hoang mang, lo ngại cho sự an toàn của con em mình.

Quay lưng lại với vắc-xin miễn phí, các ông bố, bà mẹ lao vào cuộc chạy đua, quay cuồng tìm kiếm nguồn vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 với khoản chi phí tiêu tốn trung bình từ 650.000 đồng đến 750.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vắc-xin trên cung ứng cho thị trường liên tục bị cháy hàng, nhiều trẻ đến nay dù đã quá độ tuổi tiêm chủng, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nhưng vẫn đang chờ đợt nguồn vắc-xin mới rót về.

Do vậy, các bậc cha mẹ cần cực kỳ lưu ý và tuyệt đối đề phòng khi quyết định cho con em mình sử dụng loại vắc-xin xách tay. Cần bảo đảm hiểu rõ về nguồn gốc, chất lượng của lô vắc-xin, các tiêu chuẩn bảo quản khi mang về Việt Nam cũng như kỹ thuật tiêm của người chịu trách nhiệm tiêm cho trẻ.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang