Vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa: 'Muôn hình vạn trạng' kiểu gian lận

author 19:19 31/08/2017

(VietQ.vn) - Không nhãn phụ, ghi thiếu thông tin, thậm chí ghi thông tin không đúng bản chất sự thật của hàng hóa là những lỗi vi phạm phổ biến về quy định ghi nhãn hàng hóa mà DN và các cơ sở kinh doanh mắc phải.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Mới đây, đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh) đã phát hiện Công ty TNHH Solomon International vi phạm quy chế ghi nhãn có hàng hoá, kinh doanh hàng không hoá đơn chứng từ, bán quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hoá.

Theo đó, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất, có hoá đơn chứng từ, còn hạn sử dụng, có nhãn phụ không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa gồm: Sữa nguyên kem Daioni Organic do Anh sản xuất có số lượng 1.782 hộp, giá niêm yết 35.000 đồng/hộp; Sữa tươi hương chuối Organic, loại 200ml, hạn sử dụng 19/10/2017, Anh sản xuất, số lượng 900 hộp, giá niêm yết 35.000 đồng/hộp. Tờ khai hàng hoá nhập khẩu số 101470225401 ngày 21/6/2017. Tổng cộng 2.682 hộp sữa với tổng giá trị gần 94 triệu đồng.

Không chỉ có thực phẩm, mỹ phẩm nhập khẩu cũng là mặt hàng vi phạm về quy định ghi nhãn khá phổ biến

Ngoài số hàng hoá vi phạm về quy chế ghi nhãn nêu trên đoàn kiểm tra phát hiện tại công ty có hàng hoá không hoá đơn chứng từ, quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng như: Sữa Organic, loại 325ml/lon, Mỹ sản xuất, số lượng 70 lon. Giá niêm yết 60.000 đồng/lon.

Ở một diễn biến khác, đại diện Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết: Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) vừa tạm giữ 70 kg thực phẩm cá hồi phi lê do không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Cụ thể: Đội QLTT số 14 kiểm tra Cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh thuộc Công ty TNHH Lợi Thủy Sản ở số 87 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội (trụ sở chính: Nhà B7, Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội), phát hiện hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn nhưng không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, trên cơ sở đó tạm giữ 70 kg thực phẩm cá hồi phi lê, trị giá 17,5 triệu đồng.

Không chỉ phát hiện những sai phạm tại các cơ sở kinh doanh, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa còn được các doanh nghiệp gian lận “công phu” hơn.

Thông tin từ Chi Cục QLTT tỉnh Bình Dương, đơn vị này mới đây đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Toàn Gia. Cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm của Công ty này như sau: trên nhãn hàng hóa có ghi thông tin không đúng bản chất sự thật của hàng hóa đó “KOREAN TECHNOLOGY” (Công nghệ của Hàn Quốc), chưa có giấy chứng nhận độc quyền về nhãn hiệu nhưng trên nhãn có ghi chữ “R”, trên biển hiệu ghi nhiều chữ tiếng Hàn Quốc to hơn cả các chữ tiếng Việt...

“Hành vi nêu trên của Công ty Toàn Gia đã vi phạm nghiêm trọng qui định về ghi nhãn hàng hóa và vi phạm pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, chúng tôi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Toàn Gia, yêu cầu công ty này tự nguyện khắc phục sai phạm. Thiết nghĩ, đây sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp muốn nhập nhằng việc ghi nhãn hàng hóa để thu lợi bất chính”, đại diện Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết.

Đề cập về tình trạng vi phạm trong ghi nhãn hàng hóa, ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa đã có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn song song tồn tại các sản phẩm hàng hóa được ghi theo quy định cũ và mới. “ Đối với những sai phạm về ghi nhãn, cơ quan chức năng sẽ phối hợp thanh kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn cho biết.

Trong thời gian qua, các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, thanh tra về chất lượng và nhãn hàng hóa. Đơn củ như đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa năm 2015 triển khai trên phạm vi toàn quốc với 2867 cơ sở được thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý đối với 556 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng (trong đó có 153 lượt vi phạm về nhãn hàng hóa, chiếm 21% số lượt hành vi vi phạm).

Hằng năm, Tổng cục đều có kế hoạch kiểm tra, thanh tra trên thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường Thanh tra ... Các cuộc thanh tra, kiểm tra đềuđạt được kết quả nhất định: phát hiện được những cơ sở có hàng hóa vi phạm, xử lý vi phạm theo đúng quy định, có báo cáo của từng đợt kiểm tra. Có những thành tích đóng góp đáng kể trong việc chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Nam HảiPhó Tổng cục trưởng Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang