Vì sao người dân không muốn đổi tên Nước?

author 14:03 03/06/2013

(VietQ.vn)- Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam), Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết “Khi tôi tiếp xúc cử tri - người dân cũng không có nhu cầu đến việc đổi tên Nước vì tên Nước CHXHCN Việt Nam đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam suốt hơn 38 năm qua kể từ khi đất nước giành độc lập, thống nhất.

Thưa ông, khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có ý kiến cho rằng nên đổi tên Nước thành Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?  
 
Theo tôi việc đổi tên nước từ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) sang Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa như Hiến pháp năm 1946 là không nên vì mấy lý do sau.
 
Thứ nhất xét về bản chất thì Nhà nước CHXHCN Việt Nam và Việt Nam dân chủ cộng hòa đều là Nhà nước của dân do dân, vì dân và mục tiêu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng là tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
 
Thứ hai nếu đổi tên Nước thì toàn bộ thủ tục hành chính của Nhà nước phải thay đổi hết. Đó không là sự thay đổi cơ bản ở thủ tục hành chính ở tầm vĩ mô cũng phải thay đổi và đối ngoại cũng phải thay đổi. 
 
Đại biểu: Phạm Trường Dân
Đại biểu: Phạm Trường Dân
 
Ông có thể ví dụ về việc thay đổi này?
 
Ví như ngay cả cái nhỏ nhất như con tem chúng ta gửi thư hàng ngày cũng phải thay đổi, tôi cho rằng chúng ta không có đủ tiền mà thực hiện được. Hay đối với lực lượng công an thì  phải thay đổi toàn bộ chứng minh thư nhân dân, ngoài ra cũng phải thay đổi các thủ tục hành chính, đấy là chưa kể phải sẽ phải thay biết bao nhiêu các thủ tục của các cấp các ngành, của Trung ương và địa phương.
 
Như vậy, việc thay đổi tên Nước là quá tốn kém, thưa ông?
 
Đúng, nếu thay đổi sẽ quá tốn kém và dân chịu sẽ không nổi mà tất cả đều là tiền của dân.
 
Khi tiếp xúc cử tri, các cử tri có nhu cầu đổi tên nước không, thưa ông?
 
Theo tôi người dân không có nhu cầu. Khi tiếp xúc cử tri người dân cũng không đưa ý kiến đến việc đổi tên nước, vì tên Nước CHXHCN Việt Nam đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam trong suốt hơn 38 năm qua, kể từ khi đất nước giành được độc lập, thống nhất.
 
Nhân dân cả nước không mong muốn điều đó nhất là trong thời điểm này nền kinh tế của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trước tác động của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước. Nếu bây giờ để đổi tên Nước sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn để sửa đổi tên Nước là không nên.
 
Tại buổi thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp hôm nay, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về việc cần khẳng định và làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định tại Điều 4, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Về điều 4 của Hiến pháp tôi đồng ý như trong dự thảo nhưng cần phải thể hiện rõ hơn, nhấn mạnh rõ hơn Đảng cộng sản Việt Nam tuyệt đối trung thành với tổ quốc và nhân dân để chống lại các tư tưởng lợi dụng mà nói này nói nọ

Với Điều 58 quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vấn đề thu hồi đất, theo ông những trường hợp như vây có phù hợp không?
 
Trong dự thảo đã quy định về các trường hợp thu hồi đất về mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng, vì mục đích kinh tế xã hội. Quan điểm của tôi nếu như trong mục đích kinh tế xã hội nếu không thu hồi đất mà thương lượng với dân thì không thể thực hiện được bởi vì sẽ rất phức tạp trong quá trình trưng mua, trưng thu người đồng ý, người không đồng ý sẽ khó thực hiện. Theo tôi thu hồi về mục đích phát triển kinh tế xã hội cũng là vì quốc kế dân sinh chứ không phải vì lợi ích nhóm hay một bộ phận nào đó. Tôi đề nghị nên điều chỉnh quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội lại theo hướng nên thu hồi đất vì lợi ích quốc gia khác như vậy sẽ phù hợp hơn
 
Cũng có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần xác định đất đai là quyền tài sản, nếu quy định như vậy có phù hợp không thưa ông?
 
Tôi cũng đồng ý và cho rằng đất đai là tài sản đặc thù và không giống nhu tài sản chung chung khác nên phải bảo đảm quyền của người dân khi nhà nước thu hồi.
 
Xin cảm ơn ông!
 
 
Thu Trang
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang