Vì sao sức khỏe, bệnh tật của lãnh đạo cao cấp là thông tin bí mật?

author 19:32 20/07/2015

(VietQ.vn) - Tình hình sức khỏe, bệnh tật của lãnh đạo cao cấp có phải là thông tin bí mật? Đây chính là nội dung được dư luận quan tâm và đặt câu hỏi.

Chiều nay, buổi giao lưu trực tuyến “Tiếp cận thông tin - Góc nhìn của cộng đồng xã hội” do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức.

Tại đây, nhiều độc giả đặt vấn đề: Theo dự thảo Luật Tiếp cận thông tin thì bí mật cá nhân (như sức khỏe, bệnh tật) của các lãnh đạo cấp nhà nước thuộc diện hạn chế cung cấp cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp cung cấp thông tin ra có lợi hơn thì cơ quan nắm giữ thông tin có nên cung cấp hay không? Tình hình sức khoẻ, bệnh tật có phải thông tin bí mật không? Khi nào thì nhà nước nên cung cấp thì ‘có lợi’ hơn?

GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội

Theo GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội:Bí mật cá nhân (như sức khỏe, bệnh tật) của các lãnh đạo cấp nhà nước cũng thuộc diện hạn chế cung cấp cho cộng đồng. Tình hình sức khoẻ, bệnh tật của một số nhân vật quan trọng là bí mật nhưng đây là bí mật liên quan đến việc công, do đó, cơ quan nắm giữ bí mật cần phải cân nhắc nếu việc cung cấp thông tin có lợi hơn là không cung cấp thì phải xem xét cung cấp công khai.

Chia sẻ thêm thông tin, ông Đặng Tâm Chánh, chuyên gia nghiên cứu về quyền Tiếp cận thông tin của báo chí, cho biết: Trong hệ thống thông tin nhà nước nắm giữ có cả phần thông tin thuộc về đời tư như thông tin về nhân thân, thông tin về sức khỏe , về tài sản...

“Trong trường hợp thông tin về sức khỏe của một cá nhân, chẳng hạn, thông tin về một trường hợp bị dịch bệnh nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng tới cộng đồng, nhà nước có thể xem xét công bố thông tin dựa trên cân nhắc về mức độ lợi hại của nó. Nếu thấy việc công bố bảo đảm lợi ích của xã hội lớn hơn việc cất giữ thông tin, nhiều nước quy định khá chặt chẽ quy trình và thủ tục công bố thông tin dạng này. Trong trường hợp thông tin sức khỏe của một chính khách, một bộ trưởng…là những nhân vật chính trị mà sức khỏe của họ có ảnh hưởng đến hoạt động của khu vực công, thường người ta phải công khai với dân chúng. Tất nhiên việc công bố phải bảo đảm một trình tự nghiêm túc, không xâm hại đến quyền riêng tư của công dân nói chung”, ông Đặng Tâm Chánh nói.

Trả lời câu hòi đến khi nào thì luật có thể ràng buộc và có chế tài xử lý đối với cơ quan chức năng trong việc bưng bít thông tin? Nói rộng hơn, khi nào thì luật Tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống?

GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội khẳng định: Khi Luật TCTT được ban hành nghĩa là nó đã có hiệu lực pháp lý, thì các quy định về chế tài, xử lý cơ quan chức năng bưng bít thông tin sẽ có hiệu lực ngay.

“Tôi coi việc cung cấp thông tin cho người dân là một hoạt động hành chính bình thường của Nhà Nước. Khi cơ quan công quyền không thực hiện, hoặc thực hiện sai trách nhiệm của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khởi kiện là tất yếu. Khi đó, cơ quan Nhà nước phải chịu trách nhiệm và sẽ bị chế tài nếu không thực hiện theo các quy định của Pháp luật”, GS Nguyễn Đăng Dung nói.

Quyền tiếp cận thông tin được coi là quyền của các quyền, đó là mấu chốt trọng tâm nhất, căn bản nhất để hướng đến dân chủ toàn diện. Công khai tối đa, bí mật tối thiểu là hướng đến sự minh bạch, dân chủ, chống tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cộng đồng.Hiện nay, dự thảo của Luật TCTT đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân và tháng 10 tới Quốc Hội sẽ cho ý kiến về dự luật này.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang