2 Bộ báo cáo giá sữa, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt

author 06:15 24/09/2013

(VietQ.vn) - Cả hai bộ là Tài chính và Y tế đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá sữa. Qua báo cáo của hai bộ, người tiêu dùng vẫn chưa biết được vì sao giá sữa tăng bất thường và còn phải chịu thiệt.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Bộ bảo có…

Trong công văn báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá đối với mặt hàng sữa, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng. Thực hiện theo quy chuẩn, hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính đến nay đã được Bộ Y tế quy định tên mới là: thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...

Gia sua tang khien co hoi dung sua cua nguoi tieu dung giam xuong

Người tiêu dùng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, làm minh bạch giá sữa. Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo quy định của Luật Giá, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của nhà nước. Nhưng với những tên gọi mới như nói trên, các sản phẩm đã không còn thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá.

Theo Bộ Tài chính, Bộ đã có công văn số 3080/BTC- QLG ngày 12/3/2013, công văn số 10323/BTC-QLG ngày 7/8/2013 gửi Bộ Y tế về việc phân loại các sản phẩm sữa và công văn số 170/CQLG-NLTS ngày 7/8/2013 về việc tên gọi mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa gửi một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối mặt hàng sữa đề nghị cung cấp danh sách tên mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và các sản phẩm dinh dưỡng mà hiện nay doanh nghiệp đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận sản phẩm được phép kinh doanh trên thị trường (18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối của hầu hết các loại sản phẩm có mặt trên thị trường hiện nay). Đồng thời, Bộ cũng đã có buổi làm việc với Bộ Y tế, Bộ Công Thương về việc quản lý giá sữa…

Thực hiện công văn số 170 như nói trên, đã có 17/18 doanh nghiệp gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa theo quy định QCVN đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế thì hiện nay không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của Bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tên được chính thức sử dụng trên nhãn mác sản phẩm là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức. Như vậy, vì thay tên gọi mới nên các sản phẩm trước đây là sữa nên thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, nay không gọi là sữa nên sẽ không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

… Bộ lại bảo không

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên thế giới các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi rất đa dạng về tên gọi, chủng loại, nhưng tên gọi chung của nhóm sản phẩm dinh dưỡng công thức là cộng thêm tên thương mại của các nhà sản xuất.

Nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn đối với các loại sản phẩm này, thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Y tế đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKT) phân nhóm sản phẩm làm căn cứ cho việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với từng loại sản phẩm.

Ngay sau khi ban hành các QCKT, Bộ Y tế đã tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và đăng tải trên các trang thông tin điện tử theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thông báo về thời hạn hiệu lực của các QCKT nói trên và đề nghị Cục Quản lý giá xem xét và áp giá, đồng thời cung cấp danh mục các sản phẩm này đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo quy định.

Bộ Y tế cũng cho biết, việc quy định sữa thuộc mặt hàng bình ổn giá đã được thực hiện từ năm 2008. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2013 khi Luật Giá có hiệu lực thì việc bình ổn giá đối với mặt hàng sữa chỉ quy định đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chính vì vậy, Bộ Y tế khẳng định, việc Bộ Y tế ban hành QCKT đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm này.

Doi tuong dung sua bot da phan la nguoi gia va tre em

Bộ nào có trách nhiệm trong việc giá sữa lên cao? Ảnh minh họa

Trước đó, để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý giá thực hiện việc bình ổn giá và tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, Bộ Y tế đã có công văn số 5560/BYT-ATTP gửi Bộ Tài chính về việc phân loại sản phẩm thuộc danh mục phải thực hiện quản lý giá.

Theo công văn này, sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các QCKT có công bố cho trẻ em dưới 6 tuổi đều thuộc Danh mục hàng hóa quản lý giá.

Ví tiền, bình sữa trẻ em vơi dần

Trong khi, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế là cơ quan quản lý chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm sữa và thực phẩm dinh dưỡng. Vì vậy đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này. Đồng thời, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá thực hiện biện pháp theo quy định của Luật Giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Bộ Y tế lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện quản lý bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo một thống kê giá của một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp, mức giá nhập khẩu chỉ từ 4 - 5 USD/hộp, tương đương với khoảng 80.000 - 100.000 đồng/hộp. Thế nhưng, khi các sản phẩm như vậy phân phối, bán lẻ tới tay người tiêu dùng lại được kê lên trong khoảng giá cao từ 400.000 - 900.000 đồng/hộp. Mức tăng đó được cho là gấp 5 đến 10 lần so với giá sản phẩm ban đầu được nhập khẩu.

Lý do nào khiến cho giá các sản phẩm tăng cao, động thái xử lý hành vi đội giá sản phẩm lên cao của doanh nghiệp vẫn chưa được cơ quan chức năng có ý kiến cuối cùng. Còn người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt đơn, thiệt kép nhất là trong lúc nền kinh tế khó khăn, thu nhập suy giảm, chi tiêu thắt chặt mà giá sữa lại lên cao bất thường như vậy. Đặc biệt, những đối tượng thường xuyên dùng sữa lại tập trung vào những trường hợp như người có bệnh phải dùng sữa, người cao tuổi, bà bầu, trẻ em. Những đối tượng dùng sữa như vậy, vốn đã được Nhà nước dành rất nhiều ưu đãi trong việc chăm sóc, bảo vệ.

Việc để giá sữa tăng cao, trách nhiệm thuộc về đâu vẫn còn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp và dư luận đang cho rằng, liệu có bàn tay vô hình của lũng đoạn giá sữa hay không.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang