Vụ nhận chìm bùn thải xuống biển: Ngư dân đứng ngồi không yên

author 07:32 24/07/2017

(VietQ.vn) - Ngư dân đứng ngồi không yên do lo ngại việc nhận chìm bùn thải xuống biển sẽ ảnh hưởng tới nghề chài lưới bao đời nay của họ.

Báo cáo Thường trực Ban Bí thư về vụ nhận chìm bùn thải

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh việc Bộ TN-MT cho nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ở Vĩnh Tân. Theo ông Nguyễn Mạnh Ông Hùng UBND tỉnh Bình Thuận hiện đã có báo cáo gửi Thủ tướng (trước đó UBND tỉnh có công văn gửi Bộ TN-MT kiến nghị tăng 10 điểm quan trắc và lấy mẫu để so sánh đối chứng với giấy phép ).

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Kinh tế T.Ư và Văn phòng T.Ư Đảng nói rõ quan điểm. Bây giờ dư luận đang phản ánh như thế, do vậy đề nghị T.Ư chỉ đạo xem xét lại một cách thận trọng vấn đề này”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết đầu tuần tới, Thường trực Tỉnh ủy sẽ có cuộc họp để lắng nghe các cơ quan T.Ư có phản hồi như thế nào sau những phản ứng của dư luận và kiến nghị của tỉnh.

 “Tôi cũng đã chính thức có đề xuất. Thay vì mình nhận chìm vật chất sau nạo vét như thế thì có thể chọn nhiều giải pháp khác nữa, chứ không nhất thiết phải nhận chìm ra biển. Chẳng hạn sử dụng nó làm kè để chống sạt lở bờ biển... Trong văn bản mà tôi ký gửi Ban Bí thư cũng có nói đến nhiều phương án khác nhau”, ông Hùng cho hay.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Thanh niên 

Về ý kiến đề nghị cho nhận chìm ở vị trí xa hơn so với vị trí hiện nay, Bí thư Hùng cho rằng: “Cái đó cũng phải xem xét thận trọng. Nếu nó không ảnh hưởng đến địa phương mình thì lại làm ảnh hưởng địa phương khác. Tốt nhất là phải chọn giải pháp nào đó tác động ít nhất đến môi trường”. Theo ông Hùng, bây giờ điều quan trọng là phải xem xét một cách hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường, không được làm xáo trộn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Do vậy, tỉnh đề nghị phải xem xét một cách khách quan, khoa học các vấn đề liên quan đến việc nhận chìm.

Đối với vấn đề lấy mẫu đối chứng, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), cho biết các cán bộ chuyên môn của Viện Hải dương học Nha Trang vừa đi thực tế ở Vĩnh Tân và hoàn thành việc lấy mẫu ở vị trí được cấp phép nhận chìm theo yêu cầu của Bộ TN-MT để phân tích và đối chứng.

“Giờ này chưa có kết quả thì không thể nói gì. Đầu tuần sau tôi sẽ ra Hà Nội để báo cáo với Bộ TN-MT các kết quả sau chuyến đi thực tế này”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Viện Hải dương học Nha Trang đã khảo sát, quan trắc (kể cả ở đáy biển nơi vị trí được cấp phép nhận chìm xem có phải chỉ toàn cát như báo cáo hay không) nhằm lấy kết quả, báo cáo Bộ TN-MT có thông số để so sánh, đối chứng với các thông số mà tư vấn làm trong giấy phép. Nếu giấy phép được triển khai thì viện cũng chính là đơn vị giám sát độc lập giấy phép này.

Ngư dân “đứng ngồi không yên”

Trước thông tin gần 1 triệu m3 bùn thải sẽ được nhận chìm ở vùng biển Vĩnh Tân, ngư dân thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận) đang tỏ ra hết sức rất lo lắng bởi việc nhận chìm bùn thải xuống biển có thể ảnh hưởng đến nghề chài lưới bao đời nay của họ.

Anh Lê Nguyễn Đăng Khoa, một người dân ở thôn Vĩnh Phúc, cho biết kể từ khi các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào xây dựng và hoạt động, gia đình anh đã phải từ bỏ nghề truyền thống làm muối vì ô nhiễm môi trường.

Ngư dân lo lắng việc nhận chìm bùn thải sẽ tác động tiêu cực đến nghề biển lâu đời của ở Vĩnh Tân . Ảnh: Thanh niên

Ngư dân Trần Văn Hoàng, một người dân vùng giáp ranh Cà Ná, Thuận Nam (Ninh Thuận) cho biết, gia đình ông đã vào Vĩnh Tân nuôi cá bè và tôm giống đã được 20 năm. Nhưng nay, các bè cá của gia đình ông đang lo nơm nớp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, một người trông coi hồ nuôi tôm ở Bực Lở (xã Vĩnh Tân), cho biết công ty của ông phải đi hàng chục hải lý để lấy nước biển về nuôi tôm giống nhằm phòng trừ bệnh cho tôm. Ông Thanh lo nếu nhận chìm bùn thải ra vùng biển này thì "không biết còn lấy nước biển nuôi tôm giống nữa không".

Liên quan đến vụ việc nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân, trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, chất thải mà ở nội địa đẩy ra vùng ven bờ biển bất cứ chỗ nào và là chất thải gì đi nữa đều không được bởi nếu đổ bùn thải xuống biển Bình Thuận không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn hủy diệt hệ sinh thái ven bờ.

Theo ông Vũ Đình Đáp, khi bùn thải đổ xuống biển, chỉ trong một thời gian rất ngắn bề mặt tầng đáy ven bờ sẽ bị phủ kín, mà đây là nơi nhiều sinh vật biển sinh sống và cũng là nơi để các sinh vật sinh sản. Hơn nữa, các loài sinh vật, hải sản nhỏ phải vào gần bờ để sinh sản, kiếm ăn, khi lớn lên mới di cư ra ngoài khơi. Nếu những lớp cỏ biển cũng bị vùi lấp luôn thì sẽ không còn môi trường cho sinh vật ngoài biển vào đó sinh sống nữa. Khi đó, không chỉ nguồn lợi ven bờ bị hủy diệt mà nguồn lợi của biển cũng bị hạn chế đi.

“Những hải sản, thủy sản sống ven bờ có chu kỳ tái tạo rất nhanh, có những con chỉ 3 tháng, 6 tháng đã tái sinh rồi nên khi đẩy chất thải ra, phủ kín tầng mặt thì coi như toàn bộ vùng san hô sẽ chết, vùng biển ven bờ trở thành vùng biển chết”, ông Đáp nhấn mạnh.

Đối với việc cấp phép “nhận chìm”, ông Đáp nói rằng bản chất của việc này không phải là nhận chìm mà là xả thải. Bởi, nhận chìm là phải đào hố đẩy chất thải xuống rồi lấp nó đi, không thể lan tỏa ra những vùng xung quanh.

Phong Lâm (T/h)

Nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân, môi trường bị hủy hoại như thế nào?(VietQ.vn) - Theo ý kiến chuyên gia, việc cho phép nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn hủy diệt hệ sinh thái ven bờ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang