Vụ nước sạch có mùi lạ: Chất từ dầu thải có thể gây sẩy thai, ung thư

author 14:12 15/10/2019

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, người cũng như các sinh vật sống khi nhiễm phải các kim loại nặng hay chất độc hại từ dầu thải có thể bị rối loạn chuyển hóa, thậm chí dẫn tới ung thư, sẩy thai...

Liên quan đến hiện tượng nước sinh hoạt tại nhiều điểm cư dân ở Hà Nội xuất hiện mùi như nhựa cháy khét, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 do Bộ TN&MT tổ chức, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc làm rõ.

Ông Thức cho biết, theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình thì vào rạng sáng 9/10, người dân khu vực đã phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát suối Trâm trên địa bàn xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình).

Theo ông Thức, điểm đổ trộm chất thải này cách kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch sông Đà khoảng 800m. Sau khi đổ, khu vực suối Trâm có mưa to nên váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tại Hoà Bình.

Hiện Tổng cục Môi trường đã trao đổi thông tin với Sở TN&MT và xác định, nguyên nhân ban đầu khiến nước có mùi hôi là do một chiếc xe tải đổ trộm dầu thải và đã yêu cầu UBND Hòa Bình chỉ đạo công an truy tìm chiếc xe tải đổ trộm dầu thải.

Ông Thức khẳng định, đây là hành động thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp nào đó. Bởi nguồn nước sông Đà rất quan trọng, là nguồn nước cung cấp chính nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân, nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước.Qua đó, Bộ TN&MT cũng đề nghị tỉnh Hòa Bình kiểm soát chặt chẽ về môi trường, đặc biệt những nơi có kênh nước gần các nhà máy sản xuất nước sạch.

Mới đây nhất, tại phiên tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày 10/10, thành phố có nhận được tin nhắn của người dân và báo chí phản ánh về việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường và đã thành lập đoàn kiểm tra. Nội dung kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco) và cho đến nay đã có kết quả.

Nguồn ô nhiễm này do ở trên đầu nguồn nước có một số người dân đã vào đổ dầu phế thải vào đầu con suối sau đó chảy ra hồ và nhà máy không kiểm soát tốt dẫn đến chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy. Từ hệ thống lọc nước này đã chảy vào hệ thống nước ăn của người dân. Đây chính là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường. Mùi này qua kết quả xét nghiệm xác định, đó là liên quan đến chất styren và có tỷ lệ từ 1,3-3,6 lần cao hơn so với mức bình thường.

Chất thải khiến nguồn nước trong khu vực bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: báo GĐ&XH 

Liên quan đến vấn đề trên, trong một lần trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh – người có gần 30 năm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề biến đổi khí hậu, đã được Hạ viện bang Hawaii (Mỹ) vinh danh vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực khoa học môi trường và biến đổi khí hậu, cho biết: Dầu nhớt thải là dầu sau khi sử dụng xong được thải bỏ, nó là chất nhờn có màu đen, quánh, không hòa tan trong nước, bền vững và có kim loại nặng như chì, kẽm và các chất hóa học độc hại. Bởi trong quá trình sử dụng dầu để bôi trơn các động cơ, dầu sẽ bị nhiễm bụi cũng như kim loại nặng – do mài mòn chi tiết máy hay nhiễm các hóa chất độc hại do quá trình carbon hóa khi vận hành động cơ…

Vì thành phần độc hại cũng như tính bền vững của dầu nhờn thải, cho nên khi dầu nhờn được thải trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý, có thể gây ra các tác hại tiêu cực tới môi trường và sinh vật.

“Ảnh hưởng của các vụ tràn dầu tới hệ sinh thái biển, chúng ta chưa phải chưa từng biết tới. Hơn thế nữa, kim loại nặng và chất độc hại từ dầu nhờn thải còn có thể ngấm sâu vào lòng đất mà hòa lẫn với mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước của con người” – TS Ninh nói.

Cũng theo TS Ninh, người cũng như các sinh vật sống khi nhiễm phải các kim loại nặng hay chất độc hại từ dầu nhờn thải có thể bị rối loạn chuyển hóa, thậm chí dẫn tới ung thư. Ví dụ, thành phần chì có trong dầu nhờn thải, không tham gia vào phản ứng chuyển hóa của cơ thế sống. Khi đi vào cơ thể, chì có thể tích tụ. Dần dần nó sẽ  gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, vô sinh, sẩy thai...

Hơn thế nữa, dầu nhờn thải mà chưa qua xử lý toàn diện lại đã đưa vào vận hành máy móc, xe cộ còn có thể làm các chất  độc phát tán trong không khí, theo gió hoặc khuyếch tán qua mưa gây hại trực tiếp lẫn gián tiếp đối với con người và môi trường.

Trong trường hợp, người nông dân lấy nước dầu thải tưới rau, TS. Ninh cho biết: các chất độc hại có trong dầu thải sẽ càng dễ dàng hơn thâm nhập vào cơ thể sống cũng như con người. Bởi vì, bên cạnh các đường như nhiễm vào nước ngầm thì dầu bẩn có thể bám trực tiếp trên thực phẩm và đi vào cơ thể con người nhanh và dễ dàng hơn qua đường tiêu hóa. Bởi vậy, các tác hại nó gây ra cũng có thể nhanh chóng thể hiện hơn.

Bảo Lâm

Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đang vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?(VietQ.vn) - Mặc dù phát hiện sự cố nước nhiễm dầu thải từ lâu nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà lại không hề có thông tin cảnh báo, khuyến cáo đến người tiêu dùng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang