Vụ phòng khám Maria: "Con voi chui lọt lỗ kim"

author 10:31 19/07/2012

(VietQ.vn) - Dư luận đặt nghi vấn xung quanh câu chuyện sai phạm liên tiếp của phòng khám Maria trước khi xảy ra sự việc ngày 14/7, khiến 1 bệnh nhân tử vong. Trách nhiệm trong vấn đề này vẫn chưa được làm rõ. Hàng loạt phòng khám tư nhân có bác sĩ người nước ngoài đang hoạt động chui vẫn chưa được kiểm soát.

Nước đến chân mới nhảy!

Báo Người lao động nêu thông tin: nói về việc kiểm soát các phòng khám tư, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận rất khó kiểm soát, nhất là bác sĩ nước ngoài khám bệnh chui. “Có thể lúc đi kiểm tra không có nhưng sau đó họ lại đưa người vào khám. Như vậy, có khi một ngày kiểm tra tới 3-4 lần cũng không phát hiện được”, ông Hiền phân trần.
 
Với giải thích như vậy, ông Hiền lại... đá trái bóng trách nhiệm sang... chủ doanh nghiệp và người phụ trách phòng khám. “Nếu người phụ trách chuyên môn không đồng ý với chủ doanh nghiệp về sự có mặt của bác sĩ người nước ngoài và báo cáo lên Sở Y tế, chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động ngay”, ông Hiền nói. 
Phòng khám Maria nơi xảy ra sự việc
Phòng khám Maria, nơi xảy ra sự việc
 
Cùng vấn đề này, báo Dân trí cho biết, Sở Y tế khẳng định việc để cho người Trung Quốc sử dụng kỹ thuật dao laze Leep điều trị cho chị Phong là trái pháp luật. Phòng khám Maria đã nhiều lần sử dụng người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế Hà Nội cho phép là hoàn toàn sai.
 
Trong khi đó, báo Thanh Niên dẫn thông tin chi tiết về cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong. Theo đó, ngày 14/7/2012, tại phòng khám Maria có kíp trực gồm: lễ tân Phạm Thị Thúy; phiên dịch Lượng Vĩ Phương và Nguyễn Thị Lan Anh. Các y tá: Bùi Thị Thắm, Nguyễn Phương Thảo, Hồ Thị Lương, Nguyễn Thị Thúy. Ngoài ra còn có ba bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc: Châu Kiện Kiều, Đặng Cẩm Chi, Trương Lệnh Công.
 
Theo đó, lúc 19 giờ 30 ngày 14/7/2012 kíp trực đón tiếp bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong. Sau khi khám, soi cổ tử cung, bác sĩ Châu Kiện Kiều chẩn đoán bệnh nhân Phong bị viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3 và tư vấn bệnh nhân nên điều trị bằng kỹ thuật laser bán dẫn (dao Leep) và bệnh nhân chấp thuận điều trị.
 
Sau khi làm các thủ tục, y tá Thúy dẫn bệnh nhân lên tầng 6 làm thủ thuật. Bệnh nhân được bác sĩ Đặng Cẩm Chi làm thủ thuật, đồng thời chỉ định truyền 1 chai Gluco 5% 100 ml.
 
Sau khi làm thủ thuật, chị Phong có biểu hiện ngạt mũi, lại được chỉ định tiêm 2 ống Dexamethazone 4 mg/1 ml.
 
Tiếp theo đó, bệnh nhân được chuyển xuống tầng 5, y tá Thắm bàn giao lại cho ba y tá: Thảo, Lương, Thúy (kèm theo 1 chai Levofloxaxin và 1 chai Negatidazol 0,4 g/100 ml) theo dõi, chăm sóc truyền chai Gluco 5% 100 ml và Negatidazol 0,4 g/100 ml.
 
Lúc bắt đầu xuống tầng 5, bệnh nhân hơi mệt nhưng vẫn có thể nói chuyện bình thường. Bệnh nhân gọi điện về cho gia đình lúc khoảng 21 giờ 10.
 
Khi truyền đến chai Levofloxaxin, bệnh nhân biểu hiện mệt hơn, có hiện tượng phát ban ở tay, vai, phản ứng thuốc. Y tá trực liên hệ bác sĩ điều trị tiến hành cấp cứu bệnh nhân: dừng truyền Levofloxaxin, thay vào đó là chai Gluco 5%100 ml, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, kíp trực tiến hành bóp bóng oxy và ép ngực cho bệnh nhân.
 
Trong khi cấp cứu, y tá trưởng tiêm 2 ống Dexamethazone 4 mg/1 ml trực tiếp vào tĩnh mạch, cùng lúc đó liên hệ cấp cứu 115.
 
Tình trạng bệnh nhân không có gì tiến triển, kíp trực duy trì bóp bóng và tiêm 2 ống Adrenalin. Sau 20 phút, xe cấp cứu tới nơi phối hợp cùng phòng khám cấp cứu cho bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân không qua khỏi và tử vong vào lúc 21 giờ 35.
Nhan nhản vi phạm
 
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, ngay trong chiều 17/7, ông Hiền đích thân đến kiểm tra đột xuất Phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tại đây, đoàn kiểm tra bắt quả tang một người Trung Quốc làm việc ở cương vị bác sĩ, nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam. Ngoài ra, phòng khám cũng vi phạm về quy chế kê đơn thuốc, có thuốc không rõ nguồn gốc, bao bì có chữ Trung Quốc.
 
Trước đó, Phòng khám Đa khoa 59 Khương Trung cũng là một trong những cơ sở từng bị nhiều bệnh nhân tố vì khám, chữa bệnh với giá “cắt cổ” mà bệnh không khỏi. Thậm chí một số bác sĩ Trung Quốc ở đây còn có những lời dọa dẫm về hậu quả của bệnh tật đối với bệnh nhân. Với các sai phạm này, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hành nghề của bác sĩ người Trung Quốc, đồng thời xem xét đình chỉ hoạt động phòng khám nói trên.
 
Ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐ-TB-XH) Hà Nội, cho biết đến khi xảy ra vụ việc chữa bệnh gây chết người tại Phòng khám Đa khoa Maria, các bác sĩ người Trung Quốc chưa được đăng ký cấp phép lao động tại đây. Những người này là lao động “chui”.
 
Cũng thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, báo cáo thực trạng hành nghề của thầy thuốc Trung Quốc tại Việt Nam ở các phòng khám chữa bệnh (KCB) y học cổ truyền (YHCT - gọi tắt là Đông y) hiện nay, Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, đến nay cả nước có 41 thầy thuốc Đông y Trung Quốc được cấp phép đang hành nghề KCB bằng YHCT tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 11 người, hành nghề tại 8 cơ sở; kế đến là Hà Nội với 7 người hành nghề ở 5 cơ sở, TP. Hải Phòng có 4 người, Cần Thơ có 4 người, các tỉnh, thành phố khác chỉ có 1-2 người.
 
Trách nhiệm trong vấn đề quản lý phòng khám tư có yếu tố nước ngoài đến nay vẫn bị bỏ ngỏ
Trách nhiệm trong vấn đề quản lý phòng khám tư có yếu tố nước ngoài đến nay vẫn bỏ ngỏ
 
Cũng theo ông Sơn, vì số bệnh nhân đến khám và điều trị tại các Phòng khám YHCT có thầy thuốc nước ngoài hiện ngày càng ít (thông thường chỉ 4-5 bệnh nhân mỗi ngày) nên xu hướng các phòng khám YHCT đang chuyển hướng sang phòng khám đa khoa, như Phòng khám đa khoa Đầm Sen, Phòng khám đa khoa Trung Nam, Phòng khám Đông Dương (TP.HCM), Phòng khám đa khoa Khương Trung, Phòng khám đa khoa Maria (Hà Nội).
 
Đáng chú ý, qua tổng hợp từ các lần thanh, kiểm tra, các sở y tế báo cáo cho thấy, rất nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm, với những lỗi vi phạm thường gặp như: hành nghề khi chưa được cơ quan quản lý cho phép; không niêm yết giá hoặc thu tiền khám và chữa bệnh cao hơn giá niêm yết; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, có thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không đảm bảo chất lượng; quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng nội dung đã được ngành y tế phê duyệt; đơn thuốc không được dịch ra tiếng Việt; và phiên dịch chưa đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện quy định.
 
Ông Sơn cho hay, tại TP.HCM, thanh tra 8 cơ sở thì có đến 7 cơ sở có vi phạm. Trong đó, hành nghề quá phạm vi chuyên môn có 4 cơ sở (ngoài phạt tiền, Sở Y tế thành phố đã rút giấy phép hoạt động 12 tháng của 4 cơ sở này); 5 cơ sở sử dụng người phiên dịch không đảm bảo trình độ phiên dịch theo quy định (ngoài phạt tiền, Sở Y tế sẽ xem xét thu hồi giấy phép hành nghề của người nước ngoài vì người phiên dịch không đủ điều kiện quy định); 3 cơ sở hành nghề không phép; 3 cơ sở sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành; 2 cơ sở nghi sử dụng giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo giả.
 
Rõ ràng, đã đến lúc câu chuyện trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành y tế cần được làm rõ, trên tinh thần sai đâu xử lý đó để răn đe và tránh tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”, làm khổ bệnh nhân. 
 
Vô Tịnh (tổng hợp)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang