Vụ sập cầu Ghềnh: Liệu có phải xây cầu thay thế?

author 14:23 21/03/2016

(VietQ.vn) - Vụ sập cầu Ghềnh - Biên Hòa (Đồng Nai), ngành đường sắt cho hay, có thể phải tính đến phương án xây cầu mới thay thế.

Về vụ sập cầu Ghềnh Đồng Nai, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết thêm, do cầu Ghềnh đã bị sà lan đâm sập hoàn toàn nên phải thành lập một Hội đồng thẩm định và đánh giá gồm nhiều bên liên quan, sau đó mới đưa ra phương án xây cầu tạm hoặc xây một cây cầu mới.

Vụ sập cầu Ghềnh: Liệu có phải xây cầu thay thế?

Vụ sập cầu Ghềnh gây thiệt hại lớn cho tài sản quốc gia, có thể sẽ phải tính đến phương án xây cầu mới thay thế

Cầu Ghềnh nối tuyến đường sắt huyết mạch Bắc- Nam nên ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo các đơn vị chức năng của VNR ngay lập tức đã có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức cựu hộ, cứu nạn và giải quyết sự cố.

Theo đánh giá của VNR, đây là 1 vụ tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới ngành đường sắt.

Để khắc phục ách tắc hành khách, trước mắt, VNR sẽ sử dụng phương án chuyển tải khách từ Hà Nội đến Biên Hòa, rồi dùng ô tô chuyển tải vào TP.HCM. Quãng đường phải chuyển tải bằng ô tô khoảng 20km. Cách này rất mất thời gian và công  sức nhưng theo lãnh đạo VNR, phương án trước mắt chỉ có thể được như vậy. Còn với vận tải hàng hóa thì chỉ chạy đến ga Biên Hòa.

Trong sáng 21/3, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) để điều tra Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy khi chạy sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Cả hai bị bắt ở miền Tây, đang được di lý về Đồng Nai để lấy lời khai.

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, sau khi cầu Ghềnh bị đâm sập, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự phía Nam (C45B) khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai những người liên quan. Vụ việc không gây thiệt hại về người vì có 2 người rơi xuống sông đã được người dân cứu vớt nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản quốc gia.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ 45, ngày 20/3, sà lan số hiệu SG3745 chở vật liệu xây dựng đã húc vào chân cầu Ghềnh, nối giữa xã Hiệp Hòa và phường Bửu Hòa của TP.Biên Hòa, làm sập 2 nhịp cầu; đồng thời khiến một đoạn đường ray xe lửa nằm phía phường Bửu Hòa bị kéo đứt 3 mét; một số trụ điện bị nghiêng... Riêng chiếc sà lan, sau khi húc vào chân cầu đã bị lật úp và kẹt lại trên sông; 2 tài công trên sà lan, sau đó cũng đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Chiều ngày 20-3 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" để điều tra.

Tai nạn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt. Ngành đường sắt phải dùng xe khách chuyên chở hàng nghìn hành khách từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa để di chuyển và ngược lại. Tuyến đường sông qua khu vực này cũng được phong tỏa. Bộ GTVT cho biết phải mất từ 3 đến 5 tháng mới khắc phục được sự cố.

Chi cục đăng kiểm số 6 cho biết tàu kéo sà lan gây sập cầu Ghềnh, mang biển kiểm soát TP HCM, đã hết hạn đăng kiểm gần 3 tháng trước.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang