Xâm hại tình dục trẻ em luôn có dấu hiệu bị 'chìm xuống'

author 17:13 15/03/2017

(VietQ.vn) - “Hiện nay chúng ta đang ở trong bầu không khí rất nóng của những vụ xâm hại tình dục ở trẻ em. Nhưng đây là đề tài vẫn chưa được giải quyết và luôn có dấu hiệu chìm xuống”.

Tại buổi tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em – Im lặng hay lên tiếng” diễn ra vào chiều 14/3 ở Hà Nội. Có rất nhiều ý kiến đã được đưa ra xoay quanh những vụ việc này. Đặc biệt với ba vụ việc tại Hà Hội, TP. HCM và Vũng Tàu mới đây đang làm dấy lên nhiều bức xúc của các bậc cha mẹ nói riêng và cả cộng đồng nói chung.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển xã hội cho biết: “Hiện nay chúng ta đang ở trong bầu không khí rất nóng của những vụ xâm hại tình dục ở trẻ em. Nhưng đây là đề tài vẫn chưa được giải quyết và luôn có dấu hiệu chìm xuống”.

Xâm hại tình dục ở trẻ em: Tại sao phải đợi đến Chủ tịch nước lên tiếng?

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hạ Thảo

TS Hồng lý giải: “Nguyên nhân chính là sự im lặng của tất cả các bên, đầu tiên là gia đình, nạn nhân, im lặng của cộng đồng, của cơ quan chức năng. Rõ ràng mỗi khi nhắc đến xâm hại tình dục trẻ em, tất cả mọi người đều sôi sục nhưng vẫn chọn cách im lặng”.

Theo bà Hồng, nguyên nhân sâu xa nằm ở nền văn hóa nước Việt: “Chúng ta rất ngại nói đến vấn đề tình dục và sợ nói đến câu chuyện tình dục liên quan đến hiếp dâm, xâm hại... Một nền văn hóa đòi hỏi người con gái kết hôn phải còn trinh nhưng lại im lặng trước những vụ việc hãm hiếp, dâm ô với trẻ em".

Tâm lý của các gia đình và nạn nhân im lặng vì họ quan niệm khi lên tiếng chỉ khiến cho cuộc sống bị thay đổi, nạn nhân sẽ không có tương lai, cuộc sống gia đình bị kỳ thị, đó là sai lầm”.

Luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự (Văn phòng Hưng Đạo Thăng Long– Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng: “Cách thực thi pháp luật của chúng ta đang có vấn đề. Ở một số nước, chỉ cần có hành vi gợi ý sex đều có thể cấu thành tội mà không cần chứng cứ, nhưng ở Việt Nam tội dâm ô với trẻ em là phải xâm hại trực tiếp đến thân thể thì mới cấu thành tội. Do đó, khi thủ phạm đã xâm hại đến đứa trẻ thì đã quá nguy hiểm”.

TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh thêm: “Khi chúng ta lên tiếng, gây sức ép, bắt buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, câu chuyện sẽ có hồi kết đẹp. Nhưng liệu có bao nhiêu người dám lên tiếng tố cáo dù đã từng chứng kiến, hay chỉ coi đây là chuyện tế nhị, khó nói".

Bên cạnh đó, bà Hồng bày tỏ quan điểm: “Rõ ràng những vụ việc như thế này đã được đưa lên truyền thông đại chúng rất nhiều lần, khiến cả cộng đồng bức xúc, nhưng hệ thống cơ quan chức năng ở đâu khi nhiều năm, vụ việc vẫn chưa được giải quyết? Người dân nộp thuế để hệ thống này làm gì?. Tại sao phải đợi đến khi Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội... lên tiếng, yêu cầu chỉ đạo làm rõ thì dư luận mới sôi sục và nóng như bây giờ?”.

Bộ trưởng Bộ Công thương ra chỉ thị siết quản lý kinh doanh, sản xuất rượu(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với kinh doanh, sản xuất rượu.

Tại buổi tọa đàm, câu chuyện về một người cha có con gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục ở Ba Vì khiến nhiều người nín lặng. Anh kể: “Một ngày, con gái tôi bị ốm và xin nghỉ học ở nhà. Hôm đó, cháu có sang nhà một người đàn ông hàng xóm chơi. Người này đã dụ dỗ và thực hiện hành vi dâm ô với con tôi. Ngay sau đó, cháu về khóc và kể lại câu chuyện cho bà. Gia đình tôi đã sang nhà người đàn ông này nói chuyện, yêu cẩu viết giấy cam kết và phải sang xin lỗi gia đình chúng tôi. Ban đầu, ông trốn tránh trách nhiệm, rồi sau đó mới thú nhận nhưng lại không thực hiện lời xin lỗi. Buộc gia đình tôi phải đưa sự việc lên cơ quan chức năng. Kết quả giám định cũng cho thấy con gái tôi có vết dâm ô, xâm hại tình dục. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng đến làm việc, thì người đàn ông này lại tránh mặt, theo thời gian, câu chuyện của gia đình tôi cứ thế lắng xuống. Thực sự, tôi đã rất bức xúc, câu chuyện của con tôi chỉ là một mảnh vỡ nhỏ trong xã hội, nhưng về sau này thì sao?”.

Một bà mẹ khác có con bị xâm hại cũng cho biết, mỗi khi có một buổi tọa đàm hay chương trình về bảo vệ trẻ em, bà đều phải bỏ công việc bán bánh của mình để tham dự với mong muốn tìm được hướng giải quyết. Thế nhưng đến nay, bao nhiêu lá đơn bà gửi đi, bao nhiêu cơ quan chức năng bà đến vẫn chưa có câu trả lời.

Bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cũng cho hay: “Chúng tôi làm công việc hỗ trợ, bảo vệ quyền trẻ em từ nhiều năm nay nhưng số lượng tội phạm có thể đưa ra pháp luật lại rất ít. Chúng tôi muốn độc giả nghe những câu chuyện chia sẻ trên không phải cố đi tìm sự thật để bỏ tù, tử hình hay làm tổn thương ai mà chúng tôi muốn tất cả mọi người cùng lên tiếng vì môi trường sống an toàn”.

Hà Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang