Xâm nhập mặn gia tăng tại đồng bằng sông Cửu Long- cần giải pháp ứng phó kịp thời

author 07:32 14/02/2020

(VietQ.vn) - Xâm nhập mặn gia tăng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang tác động xấu tới nguồn nước sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp.

Xâm nhập mặn tăng cao đột biến

Đánh giá chung về hiện trạng và tiềm năng nguồn nước, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, do nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và những năm gần đây, cùng với đó, do ảnh hưởng của việc xả thấp từ thủy điện Trung Quốc, dự báo dòng chảy tháng 2 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng sẽ ở mức rất thấp, vì vậy, mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2.2020, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở vùng các cửa sông Cửu Long từ nay đến ngày 16.2.2020. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l trong thời kỳ này.

 Xâm nhập mặn vào sâu nội đồng gây khó khăn cho sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh internet

Trên lưu vực sông Mê Kông, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020.

Thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12.2019, ranh mặn 4g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57 km (Sông Hàm Luông), cao hơn trung bình nhiều năm là 24km, cao hơn năm 2015 là 17km.

Trong thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3-4/2020. Trước mắt đến ngày 16.2.2020, xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110 km, sâu hơn trung bình  nhiều năm từ 20-22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6km...

Do ảnh hưởng của ngập mặn, khoảng 332.000ha lúa Đông Xuân; 136.000ha cây ăn quả khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020.

Về nước sinh hoạt, hiện nay,khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, Bến Tre: 12.700 hộ, Sóc Trăng: 24.400 hộ, Kiên Giang: 20.400 hộ, Cà Mau: 4.500 hộ, Tiền Giang: 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Mặt khác, hiện tượng khô hạn kéo dài khiến lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sụp lở đất các tuyến đường giao thông nông thôn. Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau, đã xảy ra sạt lở tại 75 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 6.400m.

Cần giải pháp ứng phó kịp thời

Hiện 13/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020. Riêng tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã ra Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập sẽ tiếp tục gây ra trong mùa khô năm 2019-2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống thiên tai kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. 

Chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo, tập trung tại các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh.

Lắp đặt hệ thống lọc nước mặn, nước lợ (thiết bị RO) tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre.

Xây dựng hồ trữ nước ngọt tại kênh cụt và dẫn dòng cũ, đập tạm ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt cho các trạm cấp nước tập trung nông thôn, tập trung tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh...

Nâng cấp, mở rộng, kéo dài tuyến ống cung cấp nước sạch cho người dân khu vực bị ảnh hưởng, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Kiên Giang.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang