Xâm phạm nhãn hiệu: 'Máy hàn Huyndai, máy lọc nước Samsung' và còn gì nữa?

authorUyên Chi 15:09 14/07/2017

(VietQ.vn) - Tình trạng làm giả nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng không còn là chuyện hiếm khi thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, gần 4.700 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phát hiện trong năm 2016.

Tại hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả nhằm nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) do Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương phối hợp Cục Sáng chế Hàn Quốc (KIPO) tổ chức ngày 13/7 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 2-3 năm gần đây, những sản phẩm mà DN Hàn Quốc bị vi phạm chủ yếu gặp phải là vi phạm về nhãn hiệu.

Việc làm giả nhãn hiệu diễn ra khá phổ biến ở mặt hàng tiêu dùng xuất xứ Hàn Quốc. Ảnh minh họa

"Tình trạng vi phạm nhãn hiệu phổ biến đến mức người ta sử dụng nhãn hiệu chuyên về ô tô cho sản phẩm máy hàn như vi phạm nhãn hiệu Hyundai dùng cho máy hàn, nhãn hiệu Samsung dùng trong máy lọc nước…vì vậy, các DN Hàn Quốc bên cạnh việc đăng ký nhãn hiệu chính cũng cần đăng ký nhãn hiệu phòng vệ', ông Hồng lưu ý.

Trên thực tế, tại Việt Nam, hiện rất nhiều sản phẩm của Hàn Quốc đang được lưu thông trên thị trường và được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Nhưng ngày càng nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị làm giả và số lượng hàng giả lưu thông trên thị trường tăng lên. Vì vậy, việc ngăn chặn hàng giả lưu thông trên thị trường từ các cơ quan thực thi đang là vấn đề các DN Hàn Quốc mong muốn.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, cố vấn DN, Tập đoàn CJ tại Việt Nam cho biết, nhiều sản phẩm hạt nêm, bột chiên xù, mỹ phẩm của CJ bị vi phạm nhãn hiệu như Beksul, Dasida, Olive Young… và xâm phạm bản quyền liên quan đến phim ảnh. Tương tự, các sản phẩm của Tập đoàn Dorco, Amo-re Pacific, Orion, Hyundai… cũng đang bị vi phạm nhãn hiệu ngày càng nhiều.

Ông Vũ Xuân Bính, Phó Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, những mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền là những mặt hàng tiêu dùng phổ biến, thiết yếu trên thị trường. Theo thống kê, năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ 4.868 vụ vi phạm liên quan đến SHTT, năm 2016 là gần 4.700 vụ. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu bị vi phạm là thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, linh kiện ô tô, điện tử, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, theo ông Bính, đây mới chỉ là số liệu thống kê của lực lượng Quản lý thị trường, trên thực tế số lượng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn lớn hơn rất nhiều và ngày càng đáng lo ngại.

Theo đó, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần phối hợp tốt với các DN trong công tác tuyên truyền để bảo vệ lợi ích tốt nhất cho các DN. Bởi tính chủ động của DN mới là yếu tố quan trọng trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền.

Choáng với giày Adidas nhái: Một sản phẩm gắn hai nhãn hiệu nổi tiếng(VietQ.vn) - 13 container hàng hóa gồm quần áo, túi xách được nhập khẩu từ Trung Quốc theo loại hình quá cảnh vừa bị khám xét. Theo đó, phát hiện nhiều sản phẩm gắn mác "Made in Vietnam", thậm chí trên một sản phẩm gắn tên hai thương hiệu nổi tiếng.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang