Xăng giảm, sức tiêu dùng vẫn 'héo'

author 06:49 07/07/2015

(VietQ.vn) - Vẫn đồng lương đó, giá gas và xăng giảm nhưng chi phí sử dụng điện, nước lại tăng vọt vào những ngày nắng nóng cùng với giá cả hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tăng nhẹ khiến cho người tiêu dùng đắn đo chi tiêu.

Từ chiều 4/7, tín hiệu phát đi từ Bộ Công Thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam như cơn mưa bất chợt tưới mát đời sống người tiêu dùng trong nước với động thái giảm giá xăng dầu. Trong khi chi phí sử dụng nước sinh hoạt và điện ngày hè nóng bức liên tục cao, không ít người tiêu dùng kỳ vọng giá xăng giảm sẽ kéo một số chi phí như vận tải, giá cả hàng hóa thiết yếu xuống.

Thế nhưng, giảm giá xăng “nhỏ giọt” không đủ lực để kéo giá cả hàng hóa xuống mà những mặt hàng thực phẩm như trứng, thịt cá, rau xanh vẫn đứng ở mức cao. Thậm chí, giá rau xanh vẫn còn tăng nhẹ.

Người tiêu dùng lo ngại giá thực phẩm đứng ở mức cao - Cảnh mua bán tại chợ Khâm Thiên - Hà Nội

Người tiêu dùng lo ngại giá thực phẩm đứng ở mức cao - Cảnh mua bán tại chợ Khâm Thiên - Hà Nội

Qua tìm hiểu của PV tại khu chợ Khâm Thiên, Hà Nội vào buổi xế chiều ngày đầu tháng 7, lúc mà người tiêu dùng ra chợ, mua thực phẩm về chế biến bữa tối và cả hôm sau cho gia đình.

Cảnh mua bán tại khu chợ nhỏ bé này diễn ra đông đúc nhưng không tấp nập, ồn ào. Không ít người tiêu dùng nhăn nhó vì giá cả rau xanh vẫn đứng ở mức cao. Họ đắn đo mua gì cho bữa tối gia đình với mức chi tiêu ít ỏi? Áp lực giá cả khiến cả người mua và người bán tỏ ra ít nhiều quan ngại về sức mua và tiêu dùng hàng ngày.

Cô Lê, một tiểu thương kinh doanh hải sản cho biết: “Tôi về hưu lâu rồi, đi chợ kiếm đồng ra đồng vào. Mấy đợt xăng giảm cũng như xăng tăng, nguồn mua vẫn cứ tăng đều. Mà nhập cá đắt về thì lãi được ít. Tăng như thế là do nguồn tự tăng đó, lại còn thêm chi phí vận chuyển, tiền đá, tiền xốp. Đặt vai mình ở trong người mua đương nhiên là sẽ nhăn nhó. Ai chẳng muốn bán rẻ để nhanh hết hàng, đắt khách nhưng bán rẻ thì sẽ lỗ, ai bù cho”

Cũng theo cô Lê được biết, giá cá nói chung từ đầu mùa tới nay tăng thêm từ 20.000đ- 30.000đ/yến.

Cách đó 2 gian hàng, gian hàng thịt lợn của chị Vân Anh lèo tèo vài ba khách mua. Chị cho hay: “Thịt lợn tăng từ giá 90.000đ lên 100.000đ/kg từ khoảng đầu tháng 6 tới giờ. Nhập vào đã đắt nên cũng không dám lấy nhiều. Ngày nào cũng nhập hàng về bán, giá không giảm nên không thể giảm xuống cho người mua được”.

Đối với mặt hàng các loại rau củ quả, giá xăng giảm không đủ sức kéo giá các mặt hàng này xuống. Thậm chí, nắng nóng kéo dài, nguồn cung hạn hẹp, rau khó bảo quản nên dễ bị hỏng. Khi đã hỏng tức là cả người bán và người buôn đều thiệt hại vì chẳng có người tiêu dùng nào muốn mua các loại rau đã héo úa, hoặc ủng nhũn.

Theo ghi nhận, không ít loại rau củ quả đã tăng từ 2.000đ - 10.000đ/kg.

Tại chợ Nhổn, theo chị Hảo bán hàng ở đây, giá rau cũng đắt hơn ngày bình thường một chút, rau đay bình thường 2.000đ/mớ giờ lên 3.000đ, mướp trước đây 1.500đ/quả giờ lên 2.000 đ quả loại vừa, bí xanh cũng lên 9.000 đ/kg. Giá chanh tuần giữa tháng 6 chỉ là 15.000đ/kg đến nay tăng lên 20.000 đ/kg, sấu tăng từ 22.000đ/kg lên 25.000đ/kg – 30.000 đ/kg.

Cũng qua tìm hiểu, giá cả hàng hóa như vậy ảnh hưởng đáng kể tới đời sống sinh viên. Thu Mai - sinh viên năm hai Đại học Công nghiệp chia sẻ: “Chợ Nhổn gần chỗ mình trọ nên hay đi mua vì tiện và rẻ. Nhưng đợt này tăng giá, cầm 30.000đ đi chợ chẳng mua được gì mấy”

Cùng tâm lý đó, Lan Anh, sinh viên năm hai Cao đẳng du lịch cho hay: “Ở kí túc xá thì người ta không cho nấu nên tôi hay phải đi ăn ngoài. Bình thường ăn suất 20.000đ thì đủ no có cả rau cả thịt. Hôm nay vẫn ngần đó tiền, người ta cho miếng thịt bé như đầu ngón tay, ăn còn thòm thèm”

Chị Hạnh, (26 tuổi, giáo viên) chia sẻ: “Xăng giảm đợt này với mức thấp nhưng cũng là giảm. Lương vẫn thế, chi phí sinh hoạt mùa hè này lại tăng lên. Giá xăng giảm chẳng đáng kể mà thực phẩm không giảm giá thì phải chắt bóp chi tiêu thôi”

Huyền Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang