Xây nhà làm nghiêng nhà hàng xóm phải bồi thường

author 15:06 06/08/2012

(VietQ.vn) - Hành vi của chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn; để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh; để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định... theo khoản 5, Điều 11, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP có thể bị phạt tiền.

Hỏi: Sát nhà tôi có người đang xây dựng nhà ở nhưng không có biện pháp che chắn, dẫn đến vật liệu xây dựng rơi sang làm vỡ ngói, hư hỏng nhà và các tài sản khác của chúng tôi. Vật liệu xây dựng cũng tràn lên cả vỉa hè, gây nguy hiểm và ô nhiễm cho các gia đình lân cận khác. Hành vi nêu trên có bị xử lý theo pháp luật không? Chúng tôi có được bồi thường thiệt hại không?
Đoàn Công Quốc (Gia Lai) 

Trả lời: Căn cứ Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn, khi chủ đầu tư thực hiện công trình xây dựng phải tuân thủ các điều kiện về xây dựng, các hành vi vi phạm về trật tự quản lý xây dựng, vi phạm các quy định về tính mạng con người và vệ sinh môi trường sẽ bị xử lý. 
 
Cụ thể, đối với hành vi của chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn; để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh; để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định theo thì khoản 5, Điều 11, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và phải bồi thường thiệt hại đối với việc làm hư hỏng nhà ở, công trình xây dựng, tài sản của người khác.
 
Ngoài ra, khoản 6, Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP cũng quy định về việc phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt công trình lân cận, trường hợp xây dựng nhà riêng rẽ ở đô thị từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. 
 
Ngoài việc bị xử phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật xây dựng. Chẳng hạn, trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. 
 
Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận, nếu không thoả thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại toà án có thẩm quyền. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại. 
 
Trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả; việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận. 
 
Nếu chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định trên thì có thể bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm và có thể bị áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. 
 
Luật sư Võ Công Hạnh
Công ty Luật hợp danh FDVN
(193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng,
ĐT: 05113. 890 568, www.fdvn.vn)
 
(Mọi thắc mắc, khiếu tố của bạn đọc có thể gửi về Email: [email protected] hoặc liên hệ qua đường dây nóng 0904.065.256 & 0913.96.57.58 để được tư vấn, hỗ trợ)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang