Xử lý án oan: Tiền bồi thường cũng là tiền thuế của dân

author 08:36 12/04/2015

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình bày tỏ, có vụ xử theo pháp luật hết cấp rồi nên giờ yêu cầu Chánh án giải quyết là không thể.

Bồi thường muốn nhanh cũng phải đúng luật

Báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, trong kỳ, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng) nhưng việc bồi thường cơ bản còn chậm.

Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 9 tỷ đồng; vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỷ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong.

Do đó, trong Dự thảo Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự yêu cầu khẩn trương giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Lương Ngọc Phi và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường trước 1/1/2015.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình 

Cho rằng khó thực hiện nhanh, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh, giải quyết bồi thường đối với người bị oan sai yêu cầu nhanh nhưng phải đúng pháp luật, bởi tiền bồi thường cũng là tiền thuế của dân.

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Tòa tối cao cho biết hiện đang xử lý đơn yêu cầu bồi thường, trong đó phải chứng minh đủ căn cứ thì Tòa mới ra quyết định bồi thường.

Còn về trường hợp của ông Lương Ngọc Phi, Chánh án Tòa tối cao cho biết đã giải quyết trên 600 triệu nhưng ông Phi yêu cầu bồi thường lên 22 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm chấp nhận nhưng giám đốc thẩm thấy căn cứ không đảm bảo nên hủy án để giải quyết lại theo tố tụng, do đó cũng không giải quyết ngay được.

Chánh án không thể giải quyết được”

Về yêu cầu có biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để xử lý dứt điểm vụ án Hồ Duy Hải, vụ Nguyễn Văn Chưởng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng cũng cần phải xem xét, nghiên cứu.

Vụ án Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án về tội “Giết người” và “cướp tài sản”. Theo kết luận giám sát, vụ án có sự thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng nên gia đình Hải và luật sư dựa vào đó để kêu oan cho Hải, gây nên dư luận thời gian qua.

Với vụ án này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, Chánh án và Viện trưởng không kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm án tử hình.

“Về mặt pháp luật là hết rồi, phải thi hành bản án này thôi, nhưng thận trọng nên Chủ tịch nước yêu cầu xem lại thì liên ngành đã thực hiện và đến bây giờ vẫn chưa thấy có căn cứ để kháng nghị. Chúng tôi sẽ họp lại một lần nữa để có quyết định cuối cùng. Nếu giải quyết khác là trái pháp luật”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Về vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” đang có nhiều đơn kêu oan. Báo cáo giám sát khẳng định Chưởng bị kết tội cùng các đồng phạm về hai tội trên là đúng, đủ căn cứ, không oan. Tuy nhiên vai trò của Chưởng như thế nào để từ đó xác định hình phạt là chưa rõ.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, Viện trưởng VKSNDTC đã có kháng nghị vì cho rằng hành động giết người của Chưởng gây ra cái chết của nạn nhân chưa rõ. Nhưng qua phân tích Chưởng là người cầm đầu và tham gia chém thì trách nhiệm tới đâu phải chịu tới đó nên Hội đồng Thẩm phán TANDTC bác kháng nghị.

Liên quan vụ án này, Ủy ban Pháp luật khóa trước đã giám sát và không có kết luận. Liên ngành Tòa án, Viện kiểm sát, công an họp có sự tham gia của đại diện Ban Nội chính, Văn phòng Chủ tịch nước đã kết luận xử Chưởng là đúng.

“Kết luận của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cao nhất, đại diện Viện kiểm sát cũng nhất trí không xem lại. Chưởng không có đơn xin ân giảm án tử hình và thời hạn nộp đơn cũng đã hết. Giờ giao cho Chánh án giải quyết dứt điểm vụ này thì Chánh án chịu thua, không có cách nào”, ông Trương Hòa Bình bày tỏ.

Theo VOV


 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang