Xuất khẩu thanh long gặp khó nhưng vẫn vỡ quy hoạch

author 07:11 09/08/2014

(VietQ.vn) - Diện tích trồng thanh long tiếp tục gia tăng trong khi những cảnh báo về bất ổn thị trường do vỡ quy hoạch của xuất khẩu thanh long nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung đã nhiều lần được đưa ra.

Tình hình xuất khẩu thanh long gặp khó

Nhiều năm trước, Việt Nam gần như “một mình một chợ” khi chiếm tới 90% sản lượng giao dịch thanh long trên thị trường thế giới, tuy nhiên vị trí độc tôn của thanh long đang lung lay dữ dội khi hàng loạt các nước từng là bạn nhập khẩu của Việt Nam lại đang ráo riết đầu tư trồng và phát triển thanh long, như: Mỹ, Nhật, Mexico, Thái Lan, Philippines và đặc biệt là Trung Quốc, cho thấy sự cạnh tranh về đầu ra của trái thanh long Việt sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Xuất khẩu thanh long sẽ gặp khó khăn vì các nước đồng loạt đầu tư phát triển thanh long.

Xuất khẩu thanh long sẽ gặp khó khăn vì các nước đồng loạt đầu tư phát triển thanh long. Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận rằng, thanh long Việt gần như đang phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Năm 2013, có tới 68% tổng giá trị xuất khẩu thanh long Việt là xuất sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, thị trường chủ lực này lại đang đầu tư trồng mới gần 20.000 ha thanh long, gần bằng diện tích của Việt Nam, để dần thay thế thanh long từ Việt Nam và tiến xa hơn nữa là cạnh tranh với Việt Nam trên thương trường.

Cũng vì phụ thuộc vào Trung Quốc nên hồi tháng 5 vừa qua, trước những căng thẳng về trên biển Đông, thanh long Việt cũng đã và đang phải trải qua tình trạng điêu đứng. Bà Nguyễn Thị Lượm, một thương lái thu mua thanh long ở thị trấn Chợ Gạo, cho biết, việc tiêu thụ thanh long trong nước chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Mà hiện nay, số thương lái thu mua thanh long xuất sang Trung Quốc còn hoạt động chỉ còn khoảng 30-40%.

Càng khó, càng vỡ quy hoạch?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Tình trạng phát triển thanh long đang rất "nóng". Nếu như năm 2000 chỉ có 560 ha thanh long (chủ yếu ở tỉnh Bình Thuận) thì hiện nay, đã lên đến gần 30.000 ha, tức là tăng gấp 50 lần.

Ông phân tích: Thanh long là loại cây mau cho trái, sau khi trồng khoảng 8 tháng là có thể thu hoạch, là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, bên cạnh đó lợi nhuận từ cây thanh long có thể gấp 7-10 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy diện tích thanh long phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây (năm 2000 diện tích khoảng 5.000 – 7.000ha, đến nay đã trên 26.000ha).Vùng trồng thanh long cũng đã mở rộng rất nhiều.

Diện tích trồng thanh long của nước ta đã tăng lên rất nhanh

Diện tích trồng thanh long của nước ta đã tăng lên rất nhanh do giá thanh long tăng cao. Ảnh minh họa

Trước đây chỉ tập trung ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An, nay đã trồng khắp các vùng Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu), ĐBSCL (Trà Vinh, Vĩnh Long v.v… cả đến Cà Mau) và lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. Tương tự như vậy, sản lượng thanh long cũng tăng lên rất nhiều (năm 2000 dưới 50.000 tấn, đến nay đã hơn 600.000 tấn).

Từ vỡ quy hoạch đến tương lai bất ổn thị trường xuất khẩu thanh long

Có 5 lý do khiến xuất khẩu thanh long Việt đứng trước tương lai bất ổn được tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa nêu ra, đó là:

Thứ nhất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển kịp, đường sá vận chuyển gặp khó khăn, hệ thống thu mua, đóng gói chưa có dẫn đến việc bán sản phẩm gặp nhiều khó khăn, hệ thống điện chong đèn chưa có.

Thứ hai, do mới trồng, người nông dân và cán bộ kỹ thuật các tỉnh chưa có kinh nghiệm nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong canh tác, đầu tư cho cây thanh long không đúng mức dẫn đến năng suất, chất lượng thấp.

Thứ ba, dịch hại phát triển tràn lan, khó khống chế…

Xuất khẩu thanh long Việt sẽ đối mặt nhiều bất ổn trong tương lai

Xuất khẩu thanh long Việt sẽ đối mặt nhiều bất ổn trong tương lai. Ảnh minh họa

Thứ tư, tình trạng các nước trên thế giới cũng ồ ạt trồng thanh long với diện tích lớn, đầu tư mạnh, ứng dụng công nghệ cao.

Và cuối cùng, thanh long Việt vốn sẵn có những bất cập nội tại như chất lượng không đồng đều, sản xuất manh mún, nhiều dịch hại và đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…gây khó khăn việc xuất khẩu thanh long, đặc biệt là đến những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đây sẽ là những tác nhân chính tạo thách thức lớn cho việc phát triển cây thanh long Việt Nam nói chung.

Phan Huyền (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang