Yếu kém về năng lực cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ CPTPP

author 10:03 11/04/2021

(VietQ.vn) - Năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp đang là rào cản cản trở chính doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ CPTPP.

Nói về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào các sân chơi quốc tế, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định CPTPP và các hiệp định trong tương lai. Tiếp theo đó là các biến động và bất định của thị trường.

Theo báo cáo từ VCCI, để chuẩn bị cho tương lai xa mà ở đó Hiệp định CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, có tới 3/4 số doanh nghiệp cho biết họ đã và đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các hiệp định này. 

Nhóm lực cản thứ ba liên quan tới yếu tố từ góc độ các cơ quan nhà nước, như: thiếu thông tin về các cam kết, chậm chạp, vướng mắc và thiếu linh hoạt cũng như các hạn chế khác trong tổ chức thực thi Hiệp định CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cuối cùng là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp...

Kết quả trên đã cho thấy những khác biệt so với khảo sát năm 2016 của VCCI. Nếu như 5 năm trước, bất cập trong thực thi của cơ quan nhà nước là những lý do chủ yếu cản trở doanh nghiệp thì nay nguyên nhân lại là từ năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp.

Để giúp doanh nghiệp dễ dàng thực thi CPTPP, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 18 văn bản trong 2 năm vừa qua. Chưa kể, trong một số trường hợp, số lượng văn bản được xây dựng mới cho một vấn đề cam kết nhiều hơn so với kế hoạch đặt ra do cần hướng dẫn thi hành thêm hoặc quá trình thực thi cho thấy cần điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đáng nói, kể từ khi đàm phán ký kết CPTPP đã có hàng trăm, hàng nghìn văn bản tài liệu, cùng hàng trăm hội thảo được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức độc lập như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức và tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ. Vẫn có những doanh nghiệp chưa từng biết đến CPTPP.

Báo cáo nghiên cứu “Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp” do VCCI công bố mới đây cho thấy cứ 20 doanh nghiệp được khảo sát thì chỉ có 1 doanh nghiệp biết rõ những cam kết trong CPTPP; Cứ 4 doanh nghiệp biết rõ cam kết thì chỉ có 1 doanh nghiệp tận dụng được những lợi ích và ưu đãi thuế quan.

Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu mà doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan ở những thị trường mới như Canada hay Mexico cao hơn những thị trường khác như Nhật Bản. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa chú ý đến những lựa chọn mới. Điều này cũng lý giải tỷ lệ tận dụng được ưu đãi thuế quan trong những năm đầu của CPTPP thấp hơn so với những FTA khác, chẳng hạn như với EVFTA.

Theo đó, thị phần hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các đối tác CPTPP còn thấp, cao nhất là Nhật Bản, ở mức 3,1%. Tiếp đến là thị trường Australia, 1,9% và New Zealand 1,6%. Tỷ lệ này ở Mexico là 1,3% và Canada 1,1%. Thấp nhất là thị trường Singapore, 1%. Trong khi đó quy mô thị trường 10 nước thành viên CPTPP lên tới 2.500 tỷ USD.

Lý giải một trong những nguyên nhân khách quan của tình trạng vừa nêu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Việt Nam kỳ vọng rất nhiều vào những chuỗi giá trị như chế biến thực phẩm, hàng điện tử, dệt may trong thị trường CPTPP nhưng những chuỗi này đều bị ảnh hưởng, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm vừa qua.

Tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng xuất khẩu. 

Cũng theo ông Dương, ở góc độ tích cực, nếu thích ứng tốt trong điều kiện, tình hình sản xuất khó khăn của dịch Covid-19, doanh nghiệp sẽ bật lên nhanh hơn. Đây sẽ trở thành lợi thế đối với doanh nghiệp khi Việt Nam đã phục hồi sớm hơn nhờ ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch Covid-19.

“Trước đây, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam phải mất 5 năm sau để duy trì đà tăng trưởng còn CPTPP mới trải qua 2 năm vẫn còn nhiều dư địa để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt nhịp với đà tăng trưởng”, ông Dương bình luận.

Để doanh nghiệp có thể tận dụng được những cơ hội mà CPTPP mang lại bà Deborah Paul đã “bật mí” rằng: “Những tiêu chuẩn về thực phẩm, xuất xứ hàng hóa của Việt Nam đã cải thiện để tận dụng được những ưu đãi thuế quan.

Về phần mình, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu.

“Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”, Chủ tịch VCCI nói.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang