ADB hỗ trợ Việt Nam trong 6 lĩnh vực ưu tiên

author 23:50 31/10/2012

(VietQ.vn) – Để đem lại hiệu quả cao nhất về mặt tài trợ và chuyển giao kiến thức, ADB sẽ ưu tiên tập trung vào 6 lĩnh vực bao gồm nông nghiệp và tài nguyên; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông; cấp nước, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đô thị khác.

Theo đánh giá của ngân hàng phát triển châu á (ADB), Việt Nam đã đạt được thành tựu tăng trưởng nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2011, mức tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) hằng năm của Việt Nam bình quân đạt 6,6%, trong khi GDP trên đầu người tăng từ 843USD trong năm 2007 lên đến 1.409USD vào năm 2011. Hiện nay, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có thu nhập trung bình ở mức thấp.

Các chuyên gia của ADB nhận định, trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam nhìn chung phần lớn đều đạt đúng tiến độ hoặc sớm hơn như tỷ lệ nhập học tiểu học, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ…

Trọng tâm của chiến lược đối tác quốc gia đối với Việt Nam giai đoạn 2012-2015 là, ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam về mục tiêu tiến tới quốc gia có thu nhập trung bình ở mức cao qua 3 trụ cột chính: tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu quả kinh tế và bền vững môi trường. Việc hỗ trợ sẽ tuân theo các nguyên tắc là bám sát các ưu tiên của Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ Việt Nam.

Vấn đề tài nguyên môi trường sẽ được ADB chú trọng hỗ trợ

Để có thể đem lại hiệu quả cao nhất về mặt tài trợ và chuyển giao kiến thức, ADB sẽ ưu tiên tập trung vào 6 lĩnh vực bao gồm nông nghiệp và tài nguyên; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông; cấp nước, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đô thị khác.

ADB đưa ra nhiều phương thức hỗ trợ và nguồn lực tài trợ như vốn vay và đầu tư cổ phần, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, tư vấn chính sách… nhằm triển khai chiến lược đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của Việt Nam với tư cách là một quốc gia có thu nhập trung bình. Dự kiến số vốn phân bổ từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2013-2014 là 385 triệu USD mỗi năm và năm 2015 là 395 triệu USD. Số vốn thực tế mà ADF sẽ phân bổ cho Việt Nam giai đoạn 2013-2014 sẽ phụ thuộc vào các đánh giá hiệu quả hoạt động. Không chỉ dừng lại ở khu vực công, ADB sẽ đẩy mạnh nỗ lực tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, ADB cũng chỉ ra một số những hạn chế, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. Mặc dù Việt Nam có mức tăng trưởng GDP mạnh trong thời gian qua, nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn cao, ở mức bình quân khoảng 13% trong giai đoạn 2007-2011. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp do thiếu lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và những bất cập trong lĩnh vực quản lý công. Thêm vào đó, tình trạng nghèo đói vẫn còn. Một trở ngại lớn khác đó là dễ bị ảnh hưởng nặng nề trước suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong mắt những người lãnh đạo ADB, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam cần quản lý nguồn vốn ODA hiệu quả hơn trong bối cảnh nguồn vốn ODA dành cho các nước đang phát triển ngày càng thấp. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tập trung phát triển vào khu vực tư nhân hơn nữa để tăng trưởng nền kinh tế. Đồng thời, họ không quên cảnh báo về những đối thủ đang nổi lên như Myanmar, cũng có các lợi thế nhân công nhiều, chi phí rẻ.

 

"Do đó, Việt Nam sẽ phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường môi trường đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống giáo dục nhằm tăng sức cạnh tranh", Tomoyuki Kimura-Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định.

Vân Nhi

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang