Áp dụng quy chuẩn thép: Làm ăn gian dối hết đất sống

author 06:38 06/09/2014

(VietQ.vn) – Quy chuẩn thép và quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước, nhập khẩu có hiệu lực, nơi làm ăn gian dối sẽ không thể cạnh tranh, phát triển được.

Sự kiện: Quy chuẩn Việt Nam

Áp dụng quy chuẩn, sản xuất thép đảm bảo chất lượng, dung hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Áp dụng quy chuẩn, sản xuất thép đảm bảo chất lượng, dung hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trong trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam mới đây.

Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, thời gian qua, thị trường thép Việt Nam đón nhận những tín hiệu tích cực với việc ra đời của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông gọi tắt là QCVN 7:2011/BKHCN và ngày 31/12/2013, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có Thông tư liên tịch Số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN - Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu (Thông tư 44). Cả hai văn bản nói trên đã được các doanh nghiệp ngành thép trong nước đón nhận và ghi nhận bước đầu, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã cạnh tranh tốt hơn với nhau trong nội địa và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, được đối tác đánh giá cao.

Thưa ông, khi doanh nghiệp ngành thép áp dụng QCVN 7:2011/BKHCN có doanh nghiệp áp dụng tốt, có doanh nghiệp lại than vãn, phàn nàn, ông có suy nghĩ gì về điều này?

QCVN 7:2011/BKHCN do ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép cốt bê tông biên soạn thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 21/2011/TT- BKHCN ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Mục đích của quy chuẩn này là đảm bảo chất lượng của các sản phẩm thép từ sản xuất tới lưu thông trên thị trường. Chất lượng của các sản phẩm thép được coi là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng tới chất lượng của rất nhiều công trình từ trọng điểm quốc gia tới các công trình xây dựng dân dụng trong dân.

Chất lượng sản phẩm thép đang liên quan đến rất nhiều người và có thể nói nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Vì vậy, QCVN 7:2011/BKHCN nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng quan trọng cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua sử dụng.

Việc chưa đồng đều áp dụng giữa các doanh nghiệp, có doanh nghiệp áp dụng tốt, có doanh nghiệp làm chưa tốt và phàn nàn là sự tồn tại bắt nguồn từ nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp.

Trước đây, các doanh nghiệp sản xuất theo chiều hướng “dung sai âm” tức là kích thước của sản phẩm nhỏ hơn kích thước danh nghĩa. Nếu doanh nghiệp sản xuất theo dung sai cho phép, sẽ không vướng phải các quy định của Nhà nước. Nhưng khi nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm “dung sai âm”, vượt quá giới hạn dung sai cho phép, như vậy doanh nghiệp có thể được lợi trong khi đó, người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm nhưng lại không đạt được chất lượng sản phẩm như mong muốn.

TS. Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

TS. Sưa cho rằng, các cơ sở làm ăn không chân chính, hoạt động ngoài luồn, gia công có chất lượng sản phẩm không tốt sẽ hết đất sống. Ảnh: N. N

Thưa ông, liên bộ KH&CN, Công Thương mới đây đã ban hành Thông tư 44 nhưng doanh nghiệp lại cho rằng, thông tư này làm cản trở hoạt động của họ cũng như đẩy họ đến con đường làm ăn khó khăn, ông có quan điểm gì về vấn đề này?

Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá thông tư liên tịch giữa hai bộ KH&CN, Công Thương số 44 ra đời nhằm đảm bảo chất lượng thép, đảm bảo quyền lợi giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích nhà nước, kinh doanh minh bạch giữa các doanh nghiệp với nhau.

Trong quá trình áp dụng Thông tư 44, nảy sinh nhiều vấn đề từ thực tiễn của doanh nghiệp. Từ phản ánh của doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đã tổng hợp lại và có đề nghị với các cơ quan quản lý nhà nước để điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Cụ thể, có một số quy định trong thông tư khi áp dụng doanh nghiệp vướng như vấn đề về thời gian thông quan. Doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan được chỉ định kiểm tra chất lượng để phục vụ cho thông quan cần phải đảm bảo thời gian nhanh nhất cho doanh nghiệp. Bởi vì càng để kéo dài, doanh nghiệp đều phải “trả giá”. Đảm bảo thời gian kiểm định, kiểm tra chất lượng, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp...

Trên thực tế, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thương hiệu cho rằng sản phẩm tiêu thụ chậm, trong khi thép sản xuất ngoài luồng từ cơ sở gia công lại tràn ngập, bán chạy vì giá thấp, theo ông cần xử lý vấn đề này thế nào?

Cả Hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước cần có nhiều chương trình tuyên truyền để nâng cao ý thức người tiêu dùng, làm cho họ ý thức được quyền lợi của mình khi bỏ tiền ra mua sản phẩm thép. Lúc đó, các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của nhà nước, làm ăn gian rối, hoạt động chui sẽ không còn đất sống.

Đối với việc người tiêu dùng đi mua sản phẩm mà gặp khó khăn về nhận biết chất lượng sản phẩm cũng như làm rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như Quản lý Thị trường và quản lý chất lượng phải giúp người tiêu dùng biết được điều đó. Còn thực tế, không phải người tiêu dùng nào cũng có thể biết được chất lượng sản phẩm ra sao, nhãn mác thế nào là đảm bảo.

Thời gian qua, Hiệp hội cũng luôn có các hoạt động tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Bước đầu các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã thực hiện tương đối tốt các quy định của nhà nước, trong đó có QCVN 7:2011/BKHCN và Thông tư 44.

Theo ông, QCVN 7:2011/BKHCN và Thông tư 44 có ý nghĩa thế nào đối với thị trường thép Việt Nam?

Hai quy định nói trên đưa ra các quy định về tiêu chuẩn cần thiết đối với thép, giúp doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường lành mạnh hơn. Người tiêu dùng sẽ mua được sản phẩm thép tốt tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra. Ngoài ra, các công trình của Nhà nước cũng như công trình dân dụng sẽ đảm bảo được tuổi thọ tốt hơn.

QCVN 7:2011/BKHCN và Thông tư 44 được áp dụng đối với sản phẩm thép sẽ làm cho thị trường thép tốt lên. Đương nhiên trong quá trình áp dụng sẽ có những vẫn đề vướng mắc và các vướng mắc đó sẽ được tổng hợp, phản ánh tới cơ quan chức năng, khi cần có thể điều chỉnh phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Hiện tại thị trường đang mua bán thép theo cây nhiều hơn theo cân. Nếu doanh nghiệp sản xuất thép theo hướng dung sai âm và người mua thép theo cây, tức là cân nhẹ hơn rất nhiều so với quy chuẩn quy định về trọng lượng. Như vậy, doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận còn người tiêu dùng lại thiệt kép. Đây là một thực tế đã tồn tại hàng chục năm nay và khi đi vào khuôn khổ, quy định bằng quy chuẩn của nhà nước, chắc chắn bước đầu doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và chưa thuận theo – TS. Nguyễn Văn Sưa nhận định.

Nguyễn Nam (thực hiện) 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang