Bắc Kạn phát hiện 3 cơ sở kinh doanh mặt hàng phụ tùng xe máy, giày dép giả mạo nhãn hiệu

author 15:39 19/05/2023

(VietQ.vn) - Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn vừa phát hiện và xử lý 3 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy và giày dép giả mạo nhãn hiệu.

Thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 4 đã triển khai kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất 04 hộ kinh doanh với các mặt hàng phụ tùng xe máy, giày dép trên địa bàn huyện Na Rì và huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn vừa phát hiện và xử lý 3 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy và giày dép giả mạo nhãn hiệu 

Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 đã phát hiện và xử lý đối với 03 hộ kinh doanh đang trưng bày để bán một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam: “Honda”, “Yamaha”, “Nike”. Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành tạm giữ và niêm phong số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đồng thời liên hệ với đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu để xác minh tình tiết làm căn cứ xử lý vi phạm.

Căn cứ kết quả xác minh, Đội Quản lý thị trường số 4 đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Kạn ban hành 03 quyết định xử phạt đối với 03 hộ kinh doanh về hành vi: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền 18 triệu đồng; buộc tiêu hủy đối với 25 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Yamaha, 16 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn Honda và 10 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn Nike; theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 

Trước thực trạng phải đối đầu với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, các doanh nghiệp đã có thời gian phát triển lâu dài và tạo dựng được tên tuổi nhất định đối với các sản phẩm xe máy, phụ tùng xe máy mang thương hiệu Công ty. Tuy nhiên, hiện đang phải đối đầu với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy.

Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình.

Cùng với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, các thành viên của VAMM cũng gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Về nhãn hiệu, rất nhiều bên sử dụng các nhãn hiệu như “Honda”, “Yamaha”, “Piaggio”, “Vespa”… mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền.

Dưới góc độ chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy xuất hiện nhiều ở các phụ tùng thiết yếu như: phanh, dầu nhớt, mũ bảo hiểm gây ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, …

Dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ lợi nhuận mà còn uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp.

Còn từ góc độ đầu tư nước ngoài, vấn đề này làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại nổi bật như CPTTP, EVFTA, trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử. Chỉ cần thực hiện tra cứu nhanh qua Google hay các công cụ tra cứu cung cấp bởi sàn thương mại điện tử, kết quả cho thấy các sản phẩm phụ tùng và thiết bị xe máy mang thương hiệu nổi tiếng của các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam như Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM được đăng bán vô cùng đa dạng với đủ loại giá thành. Đáng nói là cạnh những sản phẩm chính hãng, còn có rất nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của các thành viên VAMM.

Trước thực trạng đó, có thể thấy hàng giả, hàng nhái, cụ thể là xe máy, phụ tùng, phụ kiện xe máy nhái là một trong những vấn đề cần được quan tâm thích đáng không chỉ từ phía Hiệp hội mà còn từ phía cơ quan chức năng, truyền thông, các nhà sản xuất, thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực xe máy, phụ tùng xe máy và người tiêu dùng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang