Bấm khuyên ở cơ sở không uy tín nhiều bạn trẻ bị áp xe vành tai

author 19:03 24/10/2023

(VietQ.vn) - Từ đầu năm đến nay các bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp bị áp xe, thậm chí hoại tử sau khi đi bấm khuyên tai.

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn - Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu nhiễm trùng, biến dạng, thậm chí hoại tử vành tai sau xỏ khuyên. Trong đó, biến chứng thường gặp nhất sau khi bấm lỗ, xỏ khuyên tai là viêm sụn vành tai.

"Đây là một biến chứng nguy hiểm với những bạn trẻ thích xỏ lỗ trên vành tai. Nguyên nhân do khuyên khi xỏ vào lớp sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng và khó điều trị hơn nhiễm trùng ở các mô mềm như dái tai.

Bên cạnh đó nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu (viêm gan siêu vi B, HIV…) cũng có thể xảy ra khi dụng cụ bấm lỗ tai không được xử lý theo đúng quy định", bác sĩ Tuấn cho hay.

 Hình ảnh vành tai bị sưng vù, biến dạng sau khi xỏ khuyên. Ảnh BVCC

Mới đây bệnh viện tiếp nhận P.M.T. (23 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tai sưng vù, biến dạng, chảy mủ sau khi xỏ khuyên tai. Trước khi vào viện 2 tuần, T. có đi xỏ khuyên tai bên phải. Sau khoảng 4 ngày, T. có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau vành tai phải.

Tại Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, T. được chẩn đoán áp xe sụn vành tai phải do xỏ khuyên tai. Các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch dẫn lưu áp xe, nạo vét sụn hoại tử, khâu cố định băng ép bằng gạc tẩm mỡ kháng sinh.

Hiện tình trạng vành tai phải của T. đã ổn định, không còn mủ, còn sưng mô ít. Tuy nhiên, vành tai có biểu hiện biến dạng co rúm nhẹ, không hồi phục như ban đầu.

Một trường hợp khác là bệnh nhân P.T.K.L. (18 tuổi, Hà Nội) nhập viện với tình trạng hai tai sưng đau với 4-5 lỗ xỏ khuyên mỗi bên tai, kèm chảy mủ vàng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm sụn vành tai hai bên, áp xe sụn vành tai phải và tiến hành chích rạch dẫn lưu mủ, nạo sạch tổ chức viêm.

Cũng trong hoàn cảnh trên, nữ sinh N.L.P (18 tuổi, Vĩnh Phúc) vì muốn giống bạn bè nên nữ sinh này đã tìm đến một cơ sở để xỏ 4-5 lỗ ở vành tai trai. Hai ngày sau, P thấy xuất hiện sốt, sưng nề, đau nhiều, chảy mủ vàng ở vị trí bấm khuyên tai. Nữ sinh được đưa tới cơ sở y tế gần nhà điều trị, nhưng sau 2 tuần, các triệu chứng cải thiện không đáng kể, nên phải chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) để tiếp tục điều trị.

 Trường hợp bị viêm sụn tai sau khi bấm khuyên. Ảnh minh họa

Tiếp nhận ca bệnh này, các bác sĩ cho biết, bệnh đã nặng hơn rất nhiều, sụn vành tai đã bị tiêu một phần. Các bác sĩ đã phải tiến hành rạch mở rộng ổ áp xe để vệ sinh cắt lọc sụn viêm và chăm sóc hàng ngày. Sau điều trị, tình trạng viêm cải thiện hoàn toàn nhưng để lại di chứng nặng nề là vành tai bị biến dạng. “Đây là một hậu quả rất nặng nề về thẩm mỹ cho người bệnh”, ThS.BS Hồ Chí Thanh, Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện 108 cho biết.

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, bệnh viện thường tiếp nhận những ca bệnh đã có 2 lỗ tai nhưng vẫn bấm thêm lỗ ở sụn vành tai để thể hiện cá tính. Nhiều người sau khi bấm, tai bị sưng đỏ, mưng mủ, sốt, tự mua chống viêm, giảm đau về uống, khi không đỡ mới vào viện. Nguyên nhân dẫn đến bị áp xe, nhiễm trùng vành tai do người bệnh bấm khuyên tại những nơi không đảm bảo vô khuẩn. Bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 15-25, trong đó nhiều người tới viện muộn khi đã bị viêm sụn vành tai.

 Trào lưu xỏ nhiều khuyên tai của người trẻ. Ảnh minh họa

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh cũng chia sẻ, toàn bộ vành tai thì cấu trúc sụn rất tinh tế khi gặp áp xe, sụn tiêu đi dẫn đến tai nhăn nhúm như mộc nhĩ. Bấm lỗ tai có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ đâu, tuy nhiên khuyên đi qua sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn cả và điều trị cũng khó hơn so với nhiễm trùng qua thuỳ tai hoặc các mô mềm ngay phía trên thuỳ.

“Nếu bệnh nhân đến viện muộn dẫn tới hoại tử hết vành tai khiến cho vành tai bị biến dạng, chỉ còn lại một nhúm, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Những trường hợp này phải phẫu thuật tạo hình lại vành tai”, BS Cảnh cảnh báo.

BS Hồ Chí Thanh nhấn mạnh, nếu các bạn trẻ muốn bấm khuyên tai phải tìm hiểu thật kỹ về bấm khuyên tai hay các vị trí khác trên cơ thể và chỉ thực hiện ở những cơ sở y tế được cấp phép và đủ điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn. Người thực hiện phải là những bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn, không nên giao tính mạng cho những “lang băm” ở những cơ sở bấm lỗ tai chui, không có chuyên môn và dụng cụ không đảm bảo vô trùng. Khi có có biểu hiện bất thường như sưng tấy lâu ngày, mưng mủ tại vị trí bấm khuyên, nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc sau này.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang