Doanh nghiệp cần giải pháp bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử

author 06:24 17/05/2024

(VietQ.vn) - Bảo vệ thương hiệu không chỉ là vấn đề pháp lý còn là yếu tố then chốt để duy trì sự cạnh tranh, đảm bảo sự tin cậy đối với người tiêu dùng toàn cầu. Mọi sơ suất trong việc bảo vệ thương hiệu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Thời gian vừa qua, do chưa chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ nên nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, hoặc khi tiến ra thị trường nước ngoài thì đã bị các đối thủ cạnh tranh đăng kí mất. Thực tế đã có không ít các nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam như thuốc lá Vinataba, cafe Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, gạo Nàng Hương,… đã bị đăng ký trước ở Mỹ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian thuê luật sư khởi kiện đòi lại thương hiệu. Thậm chí, có trường hợp phải mua lại nhãn hiệu của chính mình với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Mỹ.

Theo kênh thương mại điện tử Amazon Global Selling Việt Nam, nhận thức của các đối tác bán hàng Việt Nam về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện đang từng bước được cải thiện. Trong ba năm qua, số lượng thương hiệu Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon (Brand Registry) đã tăng gấp 7 lần và thời gian để đối tác bán hàng Việt Nam chuyển từ giai đoạn đăng ký tài khoản bán hàng đến đăng ký thương hiệu đã rút ngắn trung bình 85%.

Khi doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế và muốn bảo vệ thương hiệu, việc hiểu rõ các quy định và thủ tục đăng ký bảo vệ thương hiệu tại từng quốc gia và trên từng sàn giao dịch là hết sức quan trọng. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn triển khai xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng Amazon, doanh nghiệp nên sớm có kế hoạch đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tại Hoa Kỳ, thương hiệu được bảo hộ thông qua Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thường sẽ kéo dài 1 năm hoặc hơn tuỳ trường hợp, bao gồm việc nộp đơn, nộp phí, trải qua quá trình xem xét, trong đó USPTO sẽ kiểm tra thương hiệu có trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với thương hiệu đã đăng ký trước đó hay không. Thường sẽ có nhiều thủ tục pháp lý liên quan, do vậy doanh nghiệp nên tìm một công ty luật uy tín tại Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ.

Tóm lại, việc bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu trực tuyến qua các nền tảng thương mại điện tử không chỉ là một bước đi chiến lược để bảo vệ quyền lợi và hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cách thức hiệu quả để mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để không chỉ bảo vệ sản phẩm của mình mà còn nâng cao sức cạnh tranh và tạo dựng uy tín tại các thị trường lớn.

Thương hiệu trái cây sấy Nam Huy tham gia chương trình Amazon Brand Registry và được  Amazon bảo vệ nhãn hiệu “Nam Huy” khi bán hàng trên Amazon

Đề xuất giải pháp bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử là môi trường tiềm ẩn, chứa đựng nhiều rủi ro về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Điều này đặt ra những thách thức trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới. Do vậy, Việt Nam cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần rà soát quy phạm pháp luật tại các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử. Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp với sự thay đổi của thực tế và đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột giữa quy định trong luật và các văn bản dưới luật. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nghiên cứu đề xuất, bổ sung đầy đủ những quy định về sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử.

Thứ hai, cần xây dựng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trong thương mại điện tử nói riêng theo hướng nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe và ngăn chặn vi phạm một cách hiệu quả. Hiện nay, mức phạt hành chính chưa phù hợp với thực tế và chưa tương ứng với mức lợi nhuận mà chủ thể vi phạm thu được. Điều này dẫn đến việc áp dụng biện pháp hành chính trong thực tiễn không đem lại hiệu quả cao và việc tái phạm vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền. Do đó, các văn bản hướng dẫn về mức xử phạt hiện hành cần được sửa đổi theo hướng xác định mức phạt tiền tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm thực tế của các chủ thể. Trường hợp vi phạm có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền thì cần có chế tài mạnh hơn để xử lý.

Thứ ba, cần quy định thẩm quyền xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử cho một cơ quan chuyên trách. Công việc này đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý, tránh trùng lặp, xung đột thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý và cơ quan chuyên môn để việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm đạt hiệu quả, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền.

Đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng khung pháp lý và thực thi pháp luật một cách hiệu quả, nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử, chú trọng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Các quốc gia có sự phát triển vượt bậc trong thị trường thương mại điện tử, điển hình như Trung Quốc, Hoa Kỳ… hay các tổ chức kinh tế - chính trị Liên minh châu Âu đã có những quy định rất chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi này. Do đó, Việt Nam cần hành động, dựa trên kinh nghiệm, học hỏi từ các quốc gia khác, chọn lọc và sửa đổi, bổ sung để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng trên nền tảng thương mại điện tử ngày nay.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang