Tâm sự đau đớn của những nạn nhân mắc bẫy bán hàng đa cấp

author 14:14 06/10/2015

(VietQ.vn) - “Vì tham gia công ty đa cấp nên chịu cảnh nợ nần. Giờ phải làm thêm vào ban đêm để kiếm tiền trả nợ cho chủ hiệu cầm đồ”, cô sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nghẹn ngào.

Nguyễn Thị Hoài (SN 1993), quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh hiện là sinh viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) làm nhân viên phục vụ quán bi-a được hơn 4 tháng. Ngày bận học nên Hoài chọn làm ca tối từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau với mức lương 10.000 đồng/giờ. “Vì tham gia công ty bán hàng đa cấp nên chịu cảnh nợ nần. Giờ phải làm thêm vào ban đêm để kiếm tiền trả nợ cho chủ hiệu cầm đồ”, Hoài nghẹn ngào.

Hoài kể, bắt đầu từ giữa năm 2014, sinh viên này được một người bạn rủ kinh doanh, có thể thu lợi nhuận cao và được làm việc trong môi trường năng động. Cô được bạn đưa tới Văn phòng World - Nets Việt Nam (sau đây viết tắt là công ty). Khi mới vào, Hoài phải đóng 180 nghìn đồng tiền làm thẻ và lệ phí. Để trở thành nhà phân phối, Hoài phải đóng 5,6 triệu đồng theo học mảng khởi nghiệp. Khi Hoài nói không có tiền, nhân viên công ty đưa tới một cửa hiệu cầm đồ cắm chứng minh nhân dân (CMND), thẻ sinh viên (TSV) vay 6 triệu đồng (lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày).

Sau khi vay, Hoài nộp hết tiền cho công ty. Sau đó, bên công ty bảo Hoài nộp thêm 18 triệu đồng làm “gói chuyên nghiệp”, có thể mua sản phẩm “ưu đãi” mang về kinh doanh. Không có tiền, Hoài được người của công ty dẫn đi và bảo lãnh vay thêm 18 triệu đồng với lãi suất tương tự.

Không ít người sập bẫy công ty bán hàng đa cấp dởm, lâm cảnh nợ đầm đìa.

Không ít người sập bẫy công ty bán hàng đa cấp dởm, lâm cảnh nợ đầm đìa. Ảnh minh họa

“Thời gian đó, ngày nào mình cũng khóc. Vì áp lực nên không có thời gian để học. Đang học giỏi xuống yếu, bị bạn bè xa lánh. Những đối tượng cầm đồ suốt ngày gọi điện đe dọa. Nhiều lần mình đã nghĩ đến việc tự sát. Thậm chí đã mua lượng lớn thuốc ngủ…”, Hoài kể.

Số tiền cầm cố từ 18 triệu đồng đã “lãi mẹ đẻ lãi con” thành 27 triệu. Không có tiền, Hoài bị chủ tiệm cầm đồ đánh đập. Cuối năm 2014, Hoài bỏ học hai tháng sang Bắc Ninh làm công nhân. Để nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng, Hoài phải làm việc ngày 12 tiếng. Bị bệnh tim từ nhỏ nên Hoài nhiều lần ngất khi đang làm việc, Zing News đưa tin.

Một số nạn nhân khác muốn giấu tên cũng gửi những dòng tâm sự đầy đau đớn khi sấp bẫy bán hàng đa cấp lừa đảo về báo Pháp luật Tp. HCM. Ông NHT (Hà Nội) cho biết: "Cách đây vài năm, tôi được bạn bè rủ đem tiền đi đầu tư một gian hàng ảo trên mạng Internet, giá hơn 5 triệu đồng/gian. Gian hàng đó chẳng thấy buôn bán gì nhưng tôi được hứa hẹn sẽ kiếm được tiền nhiều khi mời người khác tham gia hệ thống đa cấp ảo giống tôi.

Cứ mỗi người mới vào chơi thì tôi được hưởng hơn 1 triệu đồng. Đó là hoa hồng trực tiếp, ngoài ra còn có tiền cấp dưới chuyển lên khủng hơn nhiều. Công ty đa cấp họ có tài thuyết phục và tôi đã bỏ qua sự khuyên can của gia đình và đầu tư hơn 20 triệu đồng.

Sau một thời gian, việc làm ăn của công ty bị “sờ gáy”, tiền tôi không rút ra được. Nhiều người thân, bạn bè được tôi “tư vấn” vào hệ thống xa lánh. Tôi và vợ cũng lục đục một thời gian nhưng cũng may tôi “đầu tư” không nhiều nên vợ mới bỏ qua. Đây là bài học nhớ đời cho tôi".

Trong khí đó, chị NTVV (Dĩ An, Bình Dương) lại bị lừa mua hoàng loạt thực phẩm chức năng. Chị kể: "Tôi buôn bán quần áo ở Bình Dương, cuộc sống bình thường. Một hôm, một khách hàng thuyết phục tôi tham gia một công ty đóng tại Bình Dương. Họ cho tôi xem giấy tờ của công ty có chủ tịch HĐQT là một phó giáo sư, tiến sĩ. Công ty này thuộc một bộ… Tôi cảm thấy tin tưởng nên tham gia.

Tôi vay mượn gần 50 triệu đồng mua thuốc, thực phẩm chức năng của công ty. Sau đó tôi mới hay nhiều người bỏ ra số tiền rất lớn nhưng không lấy lại được, bị vỡ nợ. Những sản phẩm họ bán chỉ bình thường, không có tên tuổi nhưng giá quá cao nên ít người mua. Hầu hết người mua đều là những “người đầu tư” theo sự dẫn dắt của công ty với hy vọng trở nên giàu có.

Tôi muốn trả lại sản phẩm, chấp nhận lỗ cũng không được và coi như bị mất một khoản. Tôi nhận ra rằng các công ty đa cấp hay thổi phồng về sự giàu có song không bao giờ nói thật về những rủi ro đến sự trắng tay mà bạn có thể gặp". 

Hạnh Chi (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang