Vẫn còn tình trạng bánh phở chứa độc tố formol nguy hại khó lường cho sức khỏe

author 07:22 22/06/2024

(VietQ.vn) - Bánh phở là món ăn thông dụng của người dân Việt Nam nhưng vì lợi nhuận nhiều cơ sở đã sản xuất bánh phở chứa độc tố formol gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người.

Phát hiện nhiều mẫu bánh phở, bún chứa độc tố formol

Theo ghi nhận hai năm gần đây tỉnh Hải Dương đều ghi nhận mẫu bún và bánh phở tươi dương tính với Formaldehyde (còn gọi là formol) - một loại độc tố mạnh, có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ.

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm vừa qua, cơ quan chức năng đã lấy 6 mẫu bún, bánh phở tươi ở một số chợ tại thành phố Hải Dương để kiểm nghiệm. Kết quả là có 1 mẫu bánh phở dương tính với formol. Năm 2023 cũng tại thành phố Hải Dương, cơ quan chức năng của tỉnh kiểm nghiệm phát hiện 2 mẫu bún có chứa formol.

Mới đây nhất, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Chí Linh giám sát việc tiêu huỷ 30kg bánh phở chứa formol.

Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 2 phối hợp tổ chức khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô tải mang BKS 99C - 234.61 do ông Nguyễn Minh Chính là chủ xe đồng thời là chủ hàng.

Kết quả khám, test nhanh phát hiện trên xe vận chuyển 30kg bánh phở dương tính với formol. Sau đó lực lượng chức năng đã lấy mẫu, gửi giám định tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, đồng thời tạm giữ số bánh phở nghi ngờ vi phạm.

Kết quả giám định cho kết quả 8,55mg formol/kg bánh phở, ông Nguyễn Minh Chính bị xử phạt tổng số tiền 52,5 triệu đồng, buộc tiêu huỷ bánh phở vi phạm.

Tiêu hủy số lượng bánh phở chứa formol- hóa chất độc hại. Ảnh: Cục QLTT Hải Dương

Không chỉ tại tỉnh Hải Dương, trước đó tại tỉnh Đồng Nai lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng chục kg bún tươi, bánh phở nhiễm hóa chất formol tại chợ Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khai nhận với cơ quan chức năng, chủ cơ sở này cho biết đã lấy hàng theo dạng bỏ mối quen và không biết rõ địa chỉ nơi sản xuất.

Tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành lấy 22 mẫu thực phẩm để giám sát mối nguy an toàn thực phẩm trong đó có 3 mẫu bún tươi, 3 mẫu bánh canh, 3 mẫu bánh phở được lấy tại các điểm kinh doanh ở các chợ trên địa bàn quận 3, quận 8, quận 10, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh. Kết quả giám sát phát hiện 1/3 mẫu bánh phở có chứa formol (52.8mg/kg, là chất không có trong danh mục các hóa chất, phụ gia được phép sử dụng trong danh mục cho phép của Bộ Y tế).

Còn theo Công an thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đơn vị này phối hợp với ngành chức năng đã kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh phở do Nguyễn Thị Liên (SN 1970) ở tổ 2, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý làm chủ. Qua đó, phát hiện cơ sở có chế biến bánh phở chứa formol và thu giữ 150kg bánh phở thành phẩm có chứa độc tố này, 200 kg bột hóa chất bảo quản, 20 lít hóa chất tẩy trắng gạo, bánh phở.

Formol gây nguy hại thế nào tới sức khỏe?

Formol có tên hóa học là formaldehyde (công thức hóa học HCHO), tồn tại ở dạng khí hoặc dạng lỏng. Ở thể dung dịch formol có tính sát trùng rất mạnh, kết hợp với chất anbumin tạo ra chất chống thối giữa, bảo quản.

Tổ chức Y tế thế giới liệt kê formol vào loại hoá chất độc hại đối với sức khoẻ con người. Một thí nghiệm trên động vật cho thấy formol làm chết 50% số động vật thí nghiệm với liều lượng từ 260-800 mg trên mỗi kg cơ thể. Hoá chất này chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp, dùng để ướp xác trong phòng thí nghiệm y tế, làm chất trung gian hoá học để sản xuất xốp cách nhiệt, nhựa, phân bón, giấy, thuốc sát trùng...

Formol là chất cấm không được sử dụng trong chế biến thực phẩm dù với bất cứ liều lượng nào. Thế nhưng một số người vì lợi ích trong kinh doanh mà nhẫn tâm pha trộn chất cấm này vào bún, bánh phở... để kéo dài thời gian bảo quản. Cơ thể con người khi dung nạp các loại thực phẩm chứa formol trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng đều gây ra những tác hại rất lớn đối với sức khoẻ như ngộ độc (nặng có thể gây tử vong ngay), tổn thương hệ hô hấp, phù phổi, viêm phổi, ung thư, dị tật bẩm sinh cho thai nhi, làm biến dị các nhiễm sắc thể...

Có thể coi hành vi đưa formol vào bảo quản thực phẩm nói chung, bún, bánh phở tươi nói riêng là độc ác. Tuy nhiên, những chủ cơ sở vi phạm lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này chưa đủ sức răn đe để những cơ sở khác rút kinh nghiệm. Ngược lại, nó còn khiến thực trạng này tiếp tục diễn ra âm thầm mà chúng ta không hề hay biết nếu không lấy mẫu kiểm nghiệm.

Bún, bánh phở tươi... được người dân sử dụng phổ biến thường ngày. Những loại thực phẩm này chứa formol rất khó nhận biết bằng mắt thường. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ cộng đồng.

Nhà nước cũng cần tăng chế tài xử lý thật nghiêm với những cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng formol, bảo đảm tính răn đe. Về lâu dài, cần nghiên cứu hình thành lực lượng chuyên giám sát, kiểm nghiệm thực phẩm đầu vào tại các chợ dân sinh. Cấp kinh phí để kiểm tra nhanh các mẫu thực phẩm tại các chợ, siêu thị nhằm ngăn chặn kịp thời thực phẩm bẩn, nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Mặc dù được cho là không nguy hiểm khi tiếp xúc với  formol ở hàm lượng thấp, nhưng để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra và tránh tiếp xúc hoặc ăn vào với hàm lượng cao nên lưu ý:

Rửa sạch thực phẩm do formol hòa tan trong nước, vì vậy rửa trái cây và rau quả cũng như các thực phẩm có nguy cơ cao dưới vòi nước lạnh sẽ giúp giảm hàm lượng.

Nấu thực phẩm như thịt và cá ở nhiệt độ thích hợp. Điều này có thể làm giảm lượng formaldehyde và cũng là biện pháp ngăn ngừa các vấn đề khác như ngộ độc thực phẩm, nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh.

Chọn mua cá ở những nơi an toàn, được kiểm chứng rõ ràng. Ngoài ra, người tiêu dùng nên tránh mua cá đã bị cứng hoặc có mùi bất thường vì điều này có thể cho thấy rằng cá đã được xử lý bằng formol. Nên chọn những con cá có mình ít nhớt, có mùi tanh đặc trưng, mang màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, mắt cá sáng, trong và hơi lồi.

Khi lựa bún, phở nên chọn loại khi chạm vào sợi bún, phở sẽ hơi nát, dễ đứt gãy và có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Không nên chọn loại không có mùi chua của gạo ngâm, dai và quá trắng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang