Bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân

author 06:22 29/08/2023

(VietQ.vn) - Mục đích xây dựng Luật cấp, thoát nước là nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân.

Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Dự thảo quy định về chiến lược phát triển, quy hoạch cấp, thoát nước; điều kiện kinh doanh cấp nước; lựa chọn đơn vị cấp thoát nước; đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình cấp, thoát nước; quản lý dịch vụ cấp, thoát nước; quản lý tài chính, giá dịch vụ cấp, thoát nước… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải.

Về sự cần thiết phải xây dựng văn bản kể trên, Bộ Xây dựng cho biết, nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Ngoài ra, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có liên quan đến sử dụng tài nguyên nước và nguồn nước sạch.

Các sự cố về nguồn nước, công trình cấp nước ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng, sức khỏe con người trong vùng phục vụ (một vùng trong một đô thị cho đến nhiều đô thị, nông thôn); chịu tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển kinh tế - xã hội, khủng bố, an ninh chính trị. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc ngày 28/7/2010 đã thông qua Nghị quyết công nhận việc tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh là một quyền cơ bản của con người.

Nhiều nước trên thế giới cũng quy định sử dụng nước sạch là quyền của con người. Ở Việt Nam, cùng với điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống con người ngày càng được quan tâm nhiều hơn thì đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch an toàn, bền vững cần phải được thể chế hóa phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu của thế giới.

 Ảnh minh hoạ

Nước thải là sản phẩm được thải từ các đối tượng sử dụng nước; trong nước thải có thể chứa nhiều hóa chất, mầm bệnh... nếu không xử lý, thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm. Trong nhiều năm qua, đa số nước thải sinh hoạt, sản xuất, nước thải từ chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường và dòng chảy mặt gây ô nhiễm nặng nề, nhất là các dòng chảy mặt tại các đô thị, khu dân cư tập trung.

Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở hầu hết địa phương vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; việc giám sát, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải chưa được thực hiện một cách có hệ thống; tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường do nước thải vẫn đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền.

Vì vậy, quản lý và phát triển hệ thống cấp nước sạch, thoát nước mưa, thu gom xử lý nước thải nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, bảo vệ sức khỏe cho người dân, giảm thiểu các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế là rất cần thiết đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ Xây dựng, mục đích xây dựng Luật cấp, thoát nước là nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp, thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác, vận hành nhằm cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát. Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư và vận hành công trình cấp, thoát nước; hỗ trợ đầu tư công trình cấp, thoát nước nông thôn, các khu vực khó khăn về nguồn nước, dân cư phân tán.

Quan điểm xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kiểm soát quá trình đầu tư phát triển cấp, thoát nước theo quy hoạch, chiến lược, định hướng phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Các quy định của luật phải bảo đảm đồng bộ với các pháp luật liên quan, thúc đẩy đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước; kiểm soát hoạt động cấp nước, thoát nước theo hướng sản xuất kinh doanh có điều kiện và chịu sự kiểm soát của Nhà nước.

Giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế, khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính, thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; thu gom, xử lý nước thải theo lưu vực thoát nước, lưu vực sông, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội. Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và đầu tư phát triển công trình cấp, thoát nước theo hướng thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang