Liên tiếp vụ ngộ độc tập thể do ăn bánh mì kẹp thịt nhiễm khuẩn

author 16:42 02/05/2024

(VietQ.vn) - Bánh mì kẹp là món ăn sáng phổ biến tại Việt Nam và được nhiều người yêu thích tuy nhiên thời gian gần đây đã xảy ra không ít vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì.

Cụ thể, chiều 22/9/2023, tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, cơ quan chức năng xác định 313 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, Hội An. Nguyên nhân gây ngộ độc là thịt heo xíu và rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo trong bánh mì Phượng bị nhiễm khuẩn Salmonella. Kết luận này căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm các mẫu cũng như phân của bệnh nhân ngộ độc từ Viện Pasteur Nha Trang.

Sở Y tế cho biết tỉnh Quảng Nam tổng cộng đã có khoảng 3.600 người ăn bánh mì mua từ tiệm Phượng trong hai ngày 11 và 12/9. Sau đó, 313 trường hợp bị ngộ độc, trong đó có 103 người nước ngoài. Trong đó 273 người phải nhập viện, 40 người điều trị tại nhà và khai báo qua điện thoại, không có ca tử vong. Hiện tất cả bệnh nhân đã xuất viện.

Theo điều tra, thịt lợn được tiệm bánh mì Phượng mua của bà Liễu, chợ Hội An rồi về tự chế biến. Tại thời điểm kiểm tra, tiệm Phượng còn lưu giữ hợp đồng cung cấp thực phẩm. Còn rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo mua của nhiều người buôn bán ở chợ Hội An, đem về rửa nước sạch, không ngâm muối.

Ăn bánh mì nhiễm khuẩn khiến nhiều người phải nhập viện do ngộ độc

Tại tỉnh Sóc Trăng, vào cuối tháng 1/2024, sau khi ăn bánh mì kèm patê gan, thịt nguội, chả lụa, chà bông, dưa leo, bơ… mua tại tiệm bánh mì T.H, hàng trăm người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt… Trong đó có 153 người phải nhập viện điều trị.

Cơ sở bánh mì T.H được xác định, đã nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, căn nguyên gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật Salmonellaspp phát hiện trong thịt nguội của cơ sở này. Với vi phạm này, cơ sở bánh mì T.H bị xử phạt 90 triệu đồng. Cơ sở T.H còn bị đình chỉ một phần hoạt động kinh doanh bánh mì patê - chả lụa trong thời gian 4 tháng; chịu toàn bộ chi phí khám, điều trị cho 153 người bị ngộ độc và xử lý ngộ độc thực phẩm, với số tiền trên 384 triệu đồng.

Vụ việc gần đây nhất, vào tối 1/5/2024, đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì. Đến sáng 2/5/2024 đã có tổng cộng 160 bệnh nhân nhập viện do nghi ăn bánh mì. Trong đó, 1 bệnh nhi nặng đã chuyển viện lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai vào tối ngày 1/5 để tiếp tục điều trị. Đối với những bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định, nhưng đang còn nằm theo dõi thêm.

Theo báo cáo nhanh của bệnh viện này, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Qua thăm khám ban đầu, tất cả bệnh nhân ăn bánh mỳ thịt tại cơ sở bánh mỳ B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) từ 15h đến 19h ngày 30/4.

Sau khi ăn, các bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện như trên. Trong đó, nhiều người tự mua thuốc uống tại nhà, nhưng không khỏi nên nhập viện chữa trị vào sáng 1/5. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân đều bị nhiễm trùng đường ruột và được xử trí kịp thời. Hiện tại, tất cả trường hợp trên có sức khỏe ổn định, không có diễn tiến nặng thêm.

Ngay sau khi ghi nhận tình trạng trên, cơ quan chức năng thành phố Long Khánh đã tiến hành kiểm tra cơ sở bánh mỳ B. Theo đó, cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, đoàn yêu cầu cơ sở tạm ngưng bán bánh mỳ cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng, phối hợp với cơ quan chức năng tìm nguyên nhân vụ việc.

Liên quan tới khuẩn Salmonella, Bệnh viện Vinmec cho biết, đây là một loại vi khuẩn có thể gây bệnh nguy hiểm. Ở Mỹ, Salmonella là tác nhân lây nhiễm cho khoảng 1,35 triệu người mỗi năm. Salmonella có tác động nghiêm trọng hơn đối với những người già, trẻ nhỏ hoặc đã bị bệnh. Căn bệnh này đưa hàng nghìn người đến bệnh viện mỗi năm, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

Salmonella không gây bệnh cho tất cả những ai bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất và khoảng 1/3 số trường hợp xảy ra ở trẻ em từ 4 tuổi trở xuống. Trẻ không được bú sữa mẹ có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Một số loại thuốc làm giảm axit dạ dày cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng.

Thường bị nhiễm khuẩn Salmonella khi ăn hoặc uống thứ gì đó có vi khuẩn trong đó. Salmonella phổ biến hơn trong thực phẩm từ động vật, như trứng, thịt bò và gia cầm. Nhưng đất hoặc nước cũng có thể làm ô nhiễm trái cây và rau quả. Ngoài ra, Salmonella có thể được lây nhiễm từ thực phẩm này sang thực phẩm khác bằng tay hoặc dao, thớt, đĩa và các dụng cụ nhà bếp khác. Không những thế có thể bị nhiễm trùng nếu không nấu chín một số loại thức ăn đủ kỹ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang