Bảo hiểm y tế: Hình thức bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người dân không vì lợi nhuận

author 07:00 03/01/2020

(VietQ.vn) - BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì lợi nhuận

BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật.

Trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y  tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.  Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau. Và năm 2020 được xem là năm có nhiều thay đổi của chính sách bảo hiểm, trong đó có mức hưởng BHYT cùng những thay đổi liên quan đến chế độ này.

Bảo hiểm y tế được coi là "phao cứu sinh" đối với những bệnh nhân chạy thận. Ảnh: Ngọc Xen.

Một số thay đổi người lao động cần nắm vững

Cụ thể, về mức hưởng BHYT đúng tuyến. Theo Khoản 1, điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014 quy định, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng với mức hưởng: 100% chi phí KCB nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…; 95% chi phí KCB nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…; 80% chi phí KCB nếu là đối tượng khác.

Mức hưởng BHYT trái tuyến. Cũng theo Luật này, tại khoản 3, điều 22, khi đi KCB không đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31-12-2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí KCB tại bệnh viện tuyến huyện.

Bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 86/2019/QH14, lương cơ sở từ ngày 1-7-2020 tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như trước đó. Do vậy, mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT được quy định tại điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng tăng tương ứng. Cụ thể, KCB tại tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng KCB BHYT: Ngoại trú, tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm KCB, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng. Nội trú, tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.

KCB nội trú tại tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng KCB BHYT: Tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.

KCB nội trú tại tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 3,725 triệu đồng lên 4 triệu đồng.

KCB tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định: Ngoại trú, tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm KCB, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng. Nội trú, tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.

Mặc dù mức hưởng BHYT năm 2020 không thay đổi so với năm 2019, tuy nhiên, mức thanh toán trực tiếp lại ít nhiều có sự thay đổi do ảnh hưởng khi tăng lương cơ sở từ 1/07/2020, do vậy người lao động nắm vững và cập nhật thông tin giúp bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Để đánh dấu sự kiện Luật BHYT có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy ngày 1-7 là “Ngày BHYT Việt Nam”. Ngày 13-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

 

Tham gia Bảo hiểm Y tế tự nguyện đảm bảo lợi ích cho bản thân và gia đìnhBảo hiểm y tế đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, giảm khó khăn cho các gia đình thu nhập thấp khi có người đau ốm, tai nạn. Hơn thế khi nguy cơ bệnh tật ngày càng gia tăng, giá dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng thì tham gia bảo hiểm y tế là việc cần làm ngay của mỗi người, mỗi nhà.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang