Bỏ sổ hộ khẩu giấy: ‘Người dân sẽ được đối xử công bằng hơn’

author 19:03 16/07/2018

(VietQ.vn) - Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy giúp người dân được hưởng các dịch vụ một cách công bằng hơn.

Hiện nay, việc quản lý nhân khẩu trên phạm vi toàn quốc vẫn được ngành công an thực hiện thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú với hình thức phổ biến là đăng ký thường trú và tạm trú.

Tuy nhiên, phương thức quản lý này được cho là đã khá lạc hậu, gây bất tiện cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chỗ ở và nơi cư trú. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP ngày 30/12/2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Theo đó Chính phủ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp - việc thay đổi phương pháp quản lý dân cư này là một bước phát triển tiến bộ về thủ tục hành chính trong thời đại phát triển công nghệ hiện nay và phù hợp với xu thế thế giới.

bo-so-ho-khau-giay-nguoi-dan-se-duoc-doi-xu-cong-bang-hon

Luật sư Đặng Văn Cường (ảnh nhỏ) cho biết, việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy giúp người dân được hưởng các dịch vụ một cách công bằng hơn. 

“Sổ hộ khẩu là phương pháp quản lý dân cư, cư trú, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội hiệu quả. Tuy nhiên qua thời gian phát triển của xã hội và của công nghệ thì việc sử dụng hộ khẩu giấy có thể sẽ hạn chế một số quyền căn bản của công dân, với phương pháp quản lý thông qua sổ hộ khẩu như trước nay thì người dân gặp rất nhiều phiền hà trong các giao dịch dân sự như mua bán nhà, ký kết hợp đồng,.. cũng như các thủ tục chăm sóc sức khỏe, học tập, khai sinh, tìm việc làm, tuyển dụng…. Bên cạnh đó là nhiều hệ lụy liên quan đến Hộ khẩu để xin chỉ tiêu điện, nước, làm hộ chiếu, trợ cấp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đóng bảo hiểm xã hội, mua nhà cho người có thu nhập thấp… cũng từ đó mà sinh ra nạn nhũng nhiễu, tham nhũng”, luật sư Cường nói.

Ông Cường cho biết thêm, thay bằng hộ khẩu giấy thì trên thế giới có nhiều nước đã ứng dụng công nghệ vào thủ tục hành chính và sử dụng nhiều biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý cư trú. Trong xã hội xã hội hoá thông tin, khi mỗi công dân có mã số định danh riêng thì sổ hộ khẩu không còn giúp ích trong quản lý nữa. Với việc bỏ quản lý bằng hình thức hộ khẩu, thì hoạt động quản lý cư trú vẫn được thực hiện thông qua dữ liệu điện tử và người dân sẽ không bị các rào cản từ phía luật pháp liên quan đến quản lý cư trú gây ra bởi các thủ tục hành chính liên quan sẽ phải thay đổi và được cắt giảm đáng kể về số lượng và thời gian.

Ông Cường nói: “Điều này sẽ giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức mỗi khi làm thủ tục hành chính. Khi sổ hộ khẩu được loại bỏ thì người dân sẽ được hưởng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, viễn thông... công bằng, không còn bị hạn chế bởi ranh giới cư trú theo sổ hộ khẩu.

Việc xin các loại giấy tờ, thực hiện các thủ tục nhập học, tuyển dụng việc làm... cũng thuận tiện hơn. Nhà nước quản lý dân cư và chính quyền thực hiện các thủ tục hành chính cho công dân cũng đơn giản, gọn nhẹ hơn đồng thời hạn chế sự đòi hỏi, sách nhiễu. Cũng với phương pháp quản lý dân cư mới thì mỗi cá nhân có một mã số định danh cá nhân riêng, tránh được việc bị giả mạo, trộm cắp giấy tờ dẫn tới nhiều hệ lụy lừa đảo như hiện nay”.

Về mã số định danh cá nhân thì theo luật sư Cường, Điều 12 Luật Căn cước công dân năm 2014 cũng đã quy định: “Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác”. Điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch năm 2014 cũng quy định rõ nội dung trong việc đăng ký khai sinh bao gồm số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên. Các mã số này được bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Như vậy, số định danh cá nhân được sử dụng thống nhất trong toàn quốc, cấp cho công dân từ khi sinh ra thông qua việc đăng ký khai sinh, cấp cho công dân thông qua thẻ căn cước công dân khi đủ 14 tuổi và được sử dụng để lưu trữ, thống nhất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ việc khai thác thông tin về nhân thân của công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Như vậy, luật sư Cường đánh giá, có thể nói việc thay thế quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang quản lý thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có mã số định danh cá nhân là rất phù hợp với Hiến pháp của Việt Nam về việc tôn trọng tuyệt đối quyền tự do cư trú của mọi công dân. Người dân có quyền tự do cư trú ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam như họ mong muốn và phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nơi mình cư trú.

Điểm thi cao bất thường tại Hà Giang: Nhiều cán bộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?(VietQ.vn) - Liên quan đến sự việc điểm thi "cao bất thường" tại Hà Giang, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sẽ phải xử lý nghiêm túc kể cả vấn đề hình sự.

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, việc quản lý thông tin thông qua dữ liệu điện tử đặt ra một số vấn đề liên quan đến bí mật thông tin cũng như đường truyền thông tin. Để đảm bảo quản lý hiệu quả, an toàn, bảo mật thì cần phải có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn kiểm soát chặt chẽ thông tin, tránh việc bị đánh cắp, sửa đổi thông tin. Các thông tin công dân, bí mật về đời tư, cá nhân, và gia đình phải được an toàn tuyệt đối; và phải có quy định cụ thể về thẩm quyền tra cứu thông tin của các cơ quan tổ chức cũng như mỗi cá nhân.

Ngoài ra cần phải có phương án đảm bảo hạ tầng tốt, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, lắp đặt đường truyền thông suốt từ trung ương đến địa phương; từ cấp thành phố đến huyện, thị xã. Mặt khác phải có phương án dự phòng để đảm bảo việc truyền, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành có liên quan, tránh vấn đề rắc rối liên quan đến lỗi mạng, máy hỏng, đường truyền chậm,..dẫn đến tra cứu thông tin chậm, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công dân.

Lâm Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang