Kiên quyết thực hiện biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp để phát triển bền vững

author 07:02 27/08/2023

(VietQ.vn) - Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý như rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản năm 2017 và 2 Nghị định, 8 Thông tư. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã định hướng ngành khai thác thủy sản phát triển một cách bền vững, có trách nhiệm đồng thời đáp ứng các quy định của quốc tế cũng như Ủy ban châu Âu (EC).

Dự kiến tháng 10/2023, Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành đánh giá lần thứ 4 về thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Đây cũng là thời điểm tròn 6 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.

Về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thiện hành lang pháp lý về các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc triển khai, tuân thủ các quy định này đang được các địa phương ráo riết thực hiện. “Thẻ vàng” của EC đã tác động và tạo ra thay đổi rất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng. Trong gần 6 năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy cải thiện, sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý như rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản năm 2017 và 2 Nghị định, 8 Thông tư. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã định hướng ngành khai thác thủy sản phát triển một cách bền vững, có trách nhiệm đồng thời đáp ứng các quy định của quốc tế cũng như EC.

Cần có tiêu chuẩn chung cho các cảng cá, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đạt yêu cầu của EC, thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết liệt chống khai thác IUU. Ảnh minh họa

Công tác quản lý đội tàu đến nay đã cải thiện đáng kể. Hiện nay tất cả số lượng tàu cá và cơ cấu ngành, nghề của tàu cá khai thác thủy sản trên cả nước đã được số hóa, cập nhật vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Quản lý toàn quốc cũng như các tỉnh, thành có thể truy cập thường xuyên và cập nhật tình hình quản lý tàu cá.

"Với công tác quản lý tàu cá khai thác trên biển, trước đây tàu cá khai thác đi đâu trên biển rộng lớn chúng ta không thể biết bây giờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với những tàu cá từ 15 m trở lên, khoảng 30.000 tàu. Theo đó, tất cả tàu cá hoạt động khai thác trên biển đã lắp đặt VMS chúng ta có thể giám sát các hoạt động khai thác trên biển để đảm bảo tính hợp pháp”, ông Nguyễn Quang Hùng cho hay.

Việt Nam cũng đang triển khai rất tích cực việc kiểm soát nghề cá tại cảng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến cũng như kiểm soát sản lượng trên bến. Đến nay về cơ bản 28 tỉnh, thành phố ven biển đã triển khai đồng loạt, bước đầu đi vào nề nếp rất tốt. 

Trên cơ sở Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26, Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay, các tỉnh và lực lượng thực thi pháp luật (Kiểm ngư, cảnh sát biển, biên phòng, cảnh sát giao thông…) cũng đã triển khai tương đối đồng bộ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Xử lý vi phạm chưa triệt để

Khi nói về các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã dẫn lời Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU không phải là một mục tiêu duy nhất và nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên đại dương, trên vùng biển của Việt Nam. “Nếu chúng ta gỡ được ‘thẻ vàng’ IUU mà tính bền vững không có thì gỡ ‘thẻ vàng’ này rồi cũng sẽ bị áp đặt ‘thẻ vàng’ khác,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng chia sẻ khi đối thoại với Cao ủy của EU về vấn đề gỡ “thẻ vàng” IUU, phía EU đã chất vấn 2 câu hỏi: Một là nếu không áp đặt ‘thẻ vàng’ thì Việt Nam sẽ khai thác làm kiệt quệ tài nguyên, lúc đó người Việt Nam thiệt thòi hay EU thiệt thòi; thứ hai là Việt Nam có thấy công bằng hay không khi người vi phạm với người không vi phạm đều như nhau. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, EU cũng tin tưởng những vấn đề thể chế từ cấp trung ương, quyết tâm chính trị, kế hoạch 180 ngày của Thủ tướng đã ký. Chính phủ cũng nhiều lần họp và ban hành các công điện về vấn đề này.

"Quá trình xây dựng Luật Thủy sản và nghị định thi hành Luật Thủy sản chúng ta đều tham khảo với EU để hoàn thiện theo góp ý. Thế nhưng, họ chưa tin tưởng vào việc thực thi ở địa phương chúng ta, đây là một khó khăn lớn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Trong thực tế, vấn đề xử phạt chưa triệt để là một trong những nguyên nhân chính vẫn xảy ra vi phạm. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra rằng gần 60% trường hợp vi phạm các chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý, báo cáo Thủ tướng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nắm được các địa phương nào đã khoang vùng huyện, xã thường xuyên có những đội tàu vi phạm nhưng vẫn loay hoay trong xử lý. Bộ sẽ có báo cáo với Thủ tướng. “Vi phạm cũ chúng ta chưa chịu xử phạt, đối với những vấn đề mới cũng sẽ không có niềm tin rằng chúng ta có thay đổi. Chúng ta hành động để chứng minh được là chúng ta có mức độ kiên quyết hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang