Cần lên phương án ứng phó kịp thời, tránh để tình trạng người dân thiếu đói do bị chia cắt bởi mưa lũ

author 06:48 07/10/2021

(VietQ.vn) - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên lên phương án ứng phó kịp thời, tránh để tình trạng người dân thiếu đói do bị chia cắt bởi tình hình mưa lũ đang được dự báo rất phức tạp.

Chiều 6/10/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan và 10 tỉnh, từ Thanh Hóa đến Phú Yên để bàn về các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ đang được dự báo rất phức tạp.

Họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ chiều 6/10/2021 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới nhận định có khả năng mạnh lên thành cấp bão trong 24-36h tới. Từ ngày 06 đến 08/10/2021, khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi có mưa đặc biệt lớn 300-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt; khu vực Bình Định – Phú Yên và Gia Lai phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Từ ngày 09 đến 12/10/2021 mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ.

Từ 06/10 đến 09/10/2021, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nhiều huyện thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai có nguy cơ ngập lụt, thậm chí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất,…

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 18h ngày 6/10/2021, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện với 278.639 lao động, trong đó có 224 tàu với 1.827 lao động hoạt động trong khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng đã cấm biển từ 14h ngày 5/10/2021, Thừa Thiên Huế cấm biển từ 14h00 ngày 6/10/2021.

Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19. Dự kiến sẽ sơ tán 71.559 hộ/290.671 dân khu vực ven biển, trong đó, Thanh Hóa 6.516 hộ/29.316 dân, Nghệ An 18.200 dân, Hà Tĩnh 658 hộ/9.823 dân; Quảng Bình 29.125 hộ/ 109.300 dân, Quảng Trị 17.384 hộ/61.210 dân, Huế 7.192 hộ/ 20.148 dân, Đà Nẵng 693 hộ/ 9.116 dân, Quảng Nam 2.957/ 9.116, Quãng Ngãi 7.034/ 24.442 dân.

Các địa phương đã rà soát đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 7.690 ca F0/09 tỉnh, thành phố). Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài-Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay, tàu vận tải đang dày đặc tại khu vực ven biển, do vậy, cần đảm bảo an toàn cho các tàu này khi vào các cảng để neo đậu an toàn. Ngoài ra, tàu công trình, tàu thuyền tại các cửa sông cũng cần được bảo đảm an toàn khi neo đậu. Bộ đội Biên phòng tăng cường bắn pháo hiệu từ tối nay và các địa phương chủ động thời gian cấm biển.

Với nguy cơ mưa lũ lớn, dự báo và có thể có những khu vực ngập sâu, ngập lâu ở những vùng thấp trũng. Vì vậy, các địa phương phải lên kế hoạch thật chi tiết cho việc sơ tán dân. Các phương án cần đảm bảo an toàn cho phòng chống thiên tai và phòng dịch COVID-19, đồng thời, chú trọng đến phương án sơ tán tại chỗ. Bên cạnh đó, cũng cần lên phương án sơ tán vật nuôi tại các trang trại chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.

Ông Hoài yêu cầu các địa phương cần đảm bảo an toàn giao thông cũng như hệ thống lưới điện khi có ngập lụt, sẵn sàng triển khai ngay các hệ thống tiêu úng trước nguy cơ ngập lụt, nhất là khu vực các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình, Quảng Trị.  

Bên cạnh đó, ông Hoài đề nghị phải bảo vệ vị trí trọng điểm xung yếu của hệ thống đê sông, nhất là khu vực của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đối với việc xả lũ của các hồ chứa thủy điện, các địa phương cần bố trí lực lượng thường trực và đề nghị các chủ hồ chứa thực hiện theo đúng quy trình, thông tin cho hạ du kịp thời và thông tin ngay từ bây giờ để người dân có các phương án chủ động.

Tại các tỉnh miền Trung, số lượng hồ chứa đang thi công rất lớn. Với các hồ chứa do địa phương quản lý, ông Hoài đề nghị các địa phương cần hết sức tập trung cho việc đảm bảo an toàn các công trình. Với các hồ chứa này, chủ công trình thi công cùng với chính quyền và nhân dân địa phương cần có các biện pháp để đảm bảo an toàn.

Ông Hoài yêu cầu các địa phương dừng ngay các công trình đang thi công tại khu vực miền núi, đảm bảo an toàn cho công nhân và các trang thiết bị, tránh để xảy ra tình trạng như thủy điện Rào Trăng 3. Các khu vực tuyến đường giao thông đang thi công cũng phải hết sức lưu ý để đảm bảo an toàn.

Thực tế vừa qua, tại một số địa phương, người dân lên rừng để sản xuất và mất liên lạc, do vậy, ông Hoài đề nghị các địa phương chỉ đạo chính quyền cơ sở cần nắm bắt được lực lượng lao động tại địa phương, tránh những sự cố xảy ra với bà con khi lên rừng để sản xuất.

“Đợt mưa lũ này có thể xảy ra chia cắt và nhân dân sẽ không được kịp thời cung cấp về nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, nước uống. Do đó, các địa phương cần rà soát ở các huyện, xã có khả năng xảy ra tình trạng chia cắt, bố trí đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm nước uống, tránh tình trạng 2-3 ngày sau người dân rơi vào tình trạng thiếu thốn”- ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Hoài cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tập trung bố trí máy móc, thiết bị để phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn được kịp thời, bởi đợt áp thấp nhiệt đới này có nhiều nguy cơ về thiên tai xảy ra trên tuyến rộng, từ biển đến vùng đồng bằng, miền núi.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang