Cẩn trọng trước Virus gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em xuất hiện trở lại

author 07:16 03/06/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Sở Y tế TP.HCM phát thông tin cảnh báo về chủng Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em đã xuất hiện trở lại.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 270 ca điều trị nội trú. So với cùng kỳ năm 2022 (3.107 ca), số ca bệnh vẫn còn thấp hơn 46,3%. Dù vậy, bằng kỹ thuật xét nghiệm PCR, ngành y tế lại xác định được virus EV71 trong một số trường hợp nặng. Trong quá khứ, virus này đã gây ra nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng và tử vong ở trẻ em. Sở Y tế TP.HCM đang phối hợp Trung tâm Y học Nhiệt đới và Sức khỏe toàn cầu tại Đại học Oxford (OUCRU) để giải trình tự gene, xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của EV71.

Virus EV71 gây bệnh tay chân miệng nặng đã tái xuất hiện ở TP.HCM. Ảnh minh họa

Trước đó, năm 2011, nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng và tử vong chủ yếu do chủng C4 của EV71. Đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là chủng B5. Sở Y tế TP.HCM cho hay các bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố đang điều trị 33 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Tất cả trẻ đều dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng. Bốn trường hợp trong số đó được xác định mắc EV71. Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ngày 31/5, đơn vị này đã ghi nhận một trường hợp tử vong do mắc tay chân miệng nặng. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang trong tình trạng phù phổi cấp và sốc nặng (độ 4).

Sở Y tế cho biết đã thành lập Tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng. Hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP.HCM đã sẵn sàng trang thiết bị hồi sức cho những trường hợp nặng (lọc máu, ECMO...) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ. Ngoài ra, Sở cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục quản lý Dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch). cũng chỉ đạo HCDC kích hoạt đội phản ứng nhanh cùng tất cả Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức khởi động các hoạt động phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, nhất là tại hộ gia đình và trường học.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang