Lừa đảo và gian lận thương mại quốc tế gia tăng, doanh nghiệp cần cảnh giác

author 16:34 08/06/2022

(VietQ.vn) - Mới đây Bộ Ngoại giao cho biết, cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin thì cũng gia tăng hành vi lừa đảo, gian lận thương mại tinh và phức tạp.

Gia tăng các vụ lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế

Trước hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Bộ Ngoại giao đã có Văn bản số 2223/BC-BNG-THKT báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Theo đó, văn bản của Bộ Ngoại giao nêu rõ, cùng với quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi gian lận thương mại ngày càng phổ biến, có quy mô lớn, tinh vi và phức tạp hơn. Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đánh giá, lừa đảo qua xâm phạm email doanh nghiệp là hình thức gây thiệt hại nặng nhất tại Mỹ khiến các doanh nghiệp thiệt hại 2,4 tỷ USD trong năm 2021 (tăng 33% so với năm 2020), tại Brazil từ năm 2019 đến nay có khoảng 16,7 triệu người bị lừa đảo tài chính qua mạng.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã điều tra và bắt giữ hơn 120 đối tượng từ 90 nước liên quan đến các vụ buôn khẩu trang giả và các hãng sản xuất vaccine (Pfizer, AstraZeneca, Moderna) cũng ghi nhận hàng trăm vụ lừa đảo vaccine liên quan đến gần 100 nước trên thế giới.

 Gia tăng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế cần cảnh giác. Ảnh minh họa

Việt Nam là nền kinh tế năng động có độ mở cao hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nên hoạt động giao thương đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ trở thành mục tiêu lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp, gần đây mặc dù các cơ quan trong nước các cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo hiện tượng doanh nghiệp bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp có nhiều hướng gia tăng, điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác.

Nhiều hình thức lừa đảo tinh vi, phức tạp

Tại văn bản của mình, Bộ ngoại giao cũng cho biết, một số hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến như: Lừa đảo trong xuất khẩu hàng hóa không thanh toán không chuyển hàng như hợp đồng đã ký; Thành lập Công ty “ma” giả mạo doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực Công ty để giao dịch; Giả mạo giấy tờ đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán; Lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, đấu thầu.

Còn theo Bộ Công Thương, trong vài năm trở lại đây, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn, với đa dạng thức như: Giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì "hack" email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Theo Bộ Ngoại giao, các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có một số đặc điểm chung như: Quá trình đàm phán giá cả diễn ra nhanh chóng, đối tác đồng ý ngay giá bán nhưng không ép doanh nghiệp ký các hợp đồng mẫu không thể sửa đổi; Chỉ muốn liên lạc qua Internet, dùng các email miễn phí để giao dịch thay vì email chính thức của Công ty; Chỉ dùng các ứng dụng tin nhắn để trao đổi, tránh gặp trực tiếp hoặc họp trực tuyến; Cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ 3, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải Công ty đứng tên, hợp đồng giấy phép kinh doanh sắp hết hạn… Đề nghị chấp thuận thanh toán bằng các hình thức có rủi ro cao, bắt đặt cọc để làm các thủ tục giấy tờ ở nước ngoài, đề nghị chuyển trước một phần hoặc toàn bộ chứng từ để xin giấy phép nhập khẩu.

Một số lưu ý để tránh bị lừa đảo

Để tránh rủi ro có thể xảy ra đối với doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo, trong giao dịch thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm một số vấn đề như: Tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín; Kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác; Nghiên cứu ký hợp đồng trước khi triển khai giao dịch; Tăng cường thông tin với các cơ quan đại diện, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.

Không chỉ có vậy, nhằm hạn chế các vụ việc lừa đảo, nghi ngờ lừa đảo hoặc tranh chấp thương mại quốc tế liên quan tới doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao kiến nghị một số giải pháp phối hợp giữa các Bộ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để: Tăng cường cảnh báo thông tin cho các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện; Phối hợp với các cơ quan liên quan các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường phổ biến kiến thức thương mại tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp; Nghiên cứu xây dựng trang thông tin để cảnh báo cập nhật về các vụ việc thủ đoạn hành vi lừa đảo…

Cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác, trong giao dịch lần đầu nên làm thử với trị giá hợp đồng vừa phải. Chú trọng thực hiện việc xác minh, thẩm định đối tác, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu, đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh, ID của người chủ doanh nghiệp … Đặc biệt, lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng.

Thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam như Thương vụ tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các doanh nghiệp không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm qua internet.

Nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Qua đó, có thể đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa rủi ro trong giao dịch, thanh toán.

Đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Đối với thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên). Không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Nhờ thu chấp nhận chứng từ) hay chuyển tiền bằng Western Union cho việc thanh toán.

Trước khi thực hiện giao dịch nên dùng email chính thức thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo... để tránh bị giả mạo; đồng thời, cần chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua các đường khác như điện thoại hay fax chính thức, nhất là khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng ký kết.

Cảnh giác trong giao dịch với những doanh nghiệp mới quen biết hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau. Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này, cần tiến hành một số bước để xác thực sơ bộ về công ty/đối tác nước ngoài.

Cần tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài. Việc thực hiện thẩm tra có thể thực hiện qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu…

Doanh nghiệp cũng cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhằm tăng khả năng thu hồi công nợ thông qua ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

Chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang