Cảnh báo, người dùng điện thoại iPhone vẫn bị theo dõi dù Apple bổ sung tính năng ATT

author 21:34 10/06/2021

(VietQ.vn) - Theo một nhà cung cấp ứng dụng iOS, hiện nay người dùng điện thoại iPhone vẫn bị thu thập thông tin cho quảng cáo.

Theo Financial Times, trong một email gửi đến khách hàng, một nhà cung cấp ứng dụng iOS nói rằng họ vẫn có thể thu thập dữ liệu từ 95% người dùng, kể cả khi họ đã bật ATT. Thay vì sử dụng mã nhận dạng quảng cáo hệ thống (IDFA) như thông thường, họ sẽ xét đến yếu tố là địa chỉ IP có được từ điện thoại và mạng mà họ sử dụng.

Kỹ thuật lấy địa chỉ IP không mới và đã được biết đến trước đây với tên gọi Fingerprinting. Thực tế, Fingerprinting cũng đã bị Apple cấm, nhưng được các nhà phát triển tận dụng trở lại trong bối cảnh IDFA bị chặn.

 Người dùng iPhone vẫn bị theo dõi nên cẩn trọng. Ảnh minh họa

Trong khi đó, một nhà phát triển khác nói rằng ông có thể "lách luật" của Apple bằng giải pháp dựa trên các phương pháp nhận dạng người dùng "có xác suất". Theo ông, phương pháp này dựa trên dữ liệu ID tạm thời của iPhone thay vì ID vĩnh viễn như IDFA và chưa bị Apple ngăn chặn.

Kể từ iOS 14.5, Apple bổ sung tính năng ATT, cho phép người dùng kiểm soát về các dữ liệu mà ứng dụng thu thập, cũng như đề xuất quảng cáo qua IDFA. Theo dữ liệu mới đây, chỉ có 16% người dùng iOS trên toàn cầu và 6% ở Mỹ đồng ý chọn tiếp tục nhận quảng cáo trực tuyến.

Tuy nhiên, từ khảo sát này, nhà tư vấn chiến lược tiếp thị Eric Seufert nhận thấy nhiều ứng dụng đã sử dụng các giải pháp thay thế như một cách để xác định những người không đồng ý tham gia. Kết quả là nhờ các giải pháp này, một số ứng dụng vẫn đang thu thập cùng một lượng thông tin như trước khi Apple ra mắt ATT.

"Bất kỳ ai từ chối bị theo dõi vẫn bị thu thập dữ liệu như trước. Vấn đề là Apple đã không thực sự ngăn chặn hành vi mà họ xem là đáng trách. Vì vậy, có thể xem Apple đang đồng lõa với những thứ đang xảy ra", Seufert nhận xét.

Alex Austin, Giám đốc điều hành của nền tảng tiếp thị di động Branch, cho rằng Apple chỉ dùng ATT làm mánh lới quảng cáo. "Rõ ràng iOS 14 là chương trình mang tính tiếp thị nhiều hơn là sáng kiến bảo mật cho người dùng. Thật đáng buồn", Austin nói. "Apple đang nói quá nhiều đến hệ thống quyền riêng tư của mình và đang thúc đẩy rất nhiều các tính năng bảo mật cho iPhone. Nhưng thực tế, họ không đảm bảo vấn đề này được thực thi đầy đủ", Sean O' Brien, người sáng lập Yale Privacy Lab, chỉ trích.

Theo Apple, mỗi khi người dùng iPhone chạy iOS từ 14.5 trở lên kích hoạt ATT, các bên thứ ba không còn có thể theo dõi họ nữa. Nhưng nếu người dùng vẫn bị theo dõi, Apple có thể sẽ phải ra tòa.

Dù công nghệ cao của Trung Quốc sở hữu tính năng vượt trội gì để kiểm soát mảnh vỡ tên lửa?(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh vừa thử thành công 'hệ thống dù công nghệ cao' cho phép kiểm soát các mảnh vỡ tên lửa đẩy vệ tinh.

O'Brien cho rằng Apple có thể sẽ vấp phải vết xe đổ của Google trong quá khứ nếu tính năng chặn theo dõi ATT không hoạt động như quảng cáo. Năm 2018, Google đã bị phát hiện vẫn tiếp tục theo dõi người dùng Android ngay cả khi họ đã tắt cài đặt Lịch sử Vị trí của mình. "Apple có thể sẽ bị kiện vì gây hiểu lầm cho khách hàng về quyền riêng tư", O'Brien nói. Do đó, để hạn chế tình trạng bị theo dõi người dùng nên: 

Hạn chế cung cấp dịch vụ định vị

Dịch vụ định vị dựa trên GPS, Dữ liệu di động (3G/4G/LTE), Wi-Fi mang lại rất nhiều tiện lợi như: chỉ đường đi trên Google Maps, gắn địa điểm Facebook,… Tuy nhiên, chính vì việc này lại khiến thiết bị rơi vào tình trạng bị người khác theo dõi từng đường đi nước bước và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chỉ nên sử dụng dịch vụ định vị khi cần. Và để làm được việc này, bạn hãy truy cập vào Cài đặt > Quyền riêng tư > Dịch vụ định vị. Tại đây hãy tắt dịch vụ này đi bằng cách gạt thanh trượt như trong hình, sau đó nhấn chọn Tắt là được.

Tiếp theo nên kiểm tra lại những ứng dụng đang dùng định vị, chỉ cần các ứng dụng quan trọng như Google Maps, Here Maps, các ứng dụng đặt taxi,… cần đến định vị. Còn các game, ứng dụng không cần thiết nếu vẫn được cấp quyền, bạn cần thay đổi lại tuỳ chọn của chúng sao cho phù hợp nhất. Có ba mức mà bạn có thể chọn cho mỗi ứng dụng (Ví dụ với ứng dụng Zalo): Luôn Luôn, Khi dùng ứng dụng hoặc Không.

Kiểm tra, rà soát các ứng dụng lạ

Nếu người dùng bẻ khóa máy thì không có gì đáng lo lắng. Nhưng nếu nhờ ai đó làm công việc này thì nên nhanh chóng kiểm tra lại hết những ứng dụng. Trong đa số trường hợp, việc người khác giúp đỡ bạn jailbreak máy là nhằm cài đặt một tiện ích vô hại nào đó nhưng trong một vài trường hợp đặc biệt, iPhone sẽ bị cài phần mềm theo dõi. Không những vậy cũng nên kiểm tra lại các quyền của ứng dụng khi cài đặt để tránh việc cấp những quyền vô lý cho một người nào đó.

Kiểm soát quyền của ứng dụng sau khi cài đặt

Thông thường, sau khi cài đặt một ứng dụng nào đó thường được yêu cầu cấp quyền cho phần mềm sử dụng camera, micro thu âm, vị trí hay các thông tin đăng nhập, tài khoản,… Lúc này việc cần làm là kiểm tra kĩ trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng để tránh việc cấp những quyền vô lý, chẳng hạn như quyền được truy cập vào micro, camera, cho một tựa game cơ bản.

Không chia sẻ tài khoản cá nhân

Có rất nhiều người bất cẩn trong việc quản lý tài khoản cá nhân của mình. Đây là một thực tế khó thay đổi.Thậm chí có rất nhiều người còn cung cấp cả Apple ID, iCloud cho bạn bè, người thân mà không ngờ đến chuyện mình có thể bị thay đổi Apple ID trên iPhone hay bị theo dõi qua tính năng Find My iPhone.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang