Chất lượng thực tế là 'thước đo' thành công quá trình cải thiện môi trường kinh doanh

author 14:55 07/02/2019

(VietQ.vn) - Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định, chất lượng thực tế là 'thước đo' thành công quá trình cải thiện môi trường kinh doanh.

Năm 2018 qua đi với những gam màu sáng trong phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), việc cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Cùng với đó, năm 2019, DN sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức cũng như cơ hội.
 
Phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI để mổ xẻ và đưa ra phương hướng phát triển cho DN trong năm Kỷ Hợi 2019.
 
 Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Thưa ông, hiện nay theo đánh giá thì các doanh nghiệp tư nhân của chúng ta quy mô vẫn tương đối nhỏ và năng suất lao động còn thấp. Vậy theo ông, cần phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ như thế nào đối với doanh nghiệp tư nhân để nâng cao năng suất lao động?

Nhìn chung, DN tư nhân của Việt Nam hầu như đều là những DN quy mô vừa và nhỏ. Những DN lớn đang chú trọng vào các vấn đề đất đai và đầu tư tài chính. Tỷ lệ DN sản xuất trong bức tranh DN nói chung còn thấp so với các nước và mức độ ứng dụng công nghệ theo nhiều đánh giá thì vẫn ở mức trung bình của thế giới.

Nét tích cực trong năm 2018 là việc rất nhiều DN tư nhân của chúng ta đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất.

Hơn nữa, vốn đầu tư công nghệ là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới. Ở các nước, tỷ trọng đầu tư và đầu tư phát triển ở DN tư nhân là rất cao. Tôi mong muốn rằng xu hướng này sẽ diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.

Thưa ông, Nghị quyết 02 vừa được ban hành thay thế cho Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Vậy theo ông, ‘điểm sáng’ trong Nghị quyết này là gì?

Qua 5 năm ban hành và thực hiện Nghị quyết 19, chúng ta đã thấy những chuyển đổi tương đối quan trọng của môi trường kinh doanh. Nghị quyết 02/2019 này tiếp tục thể hiện tinh thần đó.

Điểm sáng đầu tiên của Nghị quyết 02 là đã được ban hành nhanh hơn, cho thấy sự vào cuộc khẩn trương hơn của Chính phủ. Chúng ta thấy rằng, Nghị quyết 02 được ban hành ngay ngày đầu tiên của năm 2019 (01/01/2019), thể hiện một thông điệp hết sức quan trọng của Chính phủ đó là ‘cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2019’. Ngoài ra, các địa phương, Bộ, ngành cần phải vào cuộc sớm, không để tình trạng như trước đây, nghĩa là đến tháng 3, thậm chí tháng 5 Nghị quyết 19 mới được ban hành.

Trong Nghị quyết 02 còn có một quy định rất rõ ràng rằng người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương phải xem cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng nhất và phải trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu phải thực sự vào cuộc và nó chuyển động nhanh hay chậm, thực chất hay không thực chất phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu.

Về phía cộng đồng kinh doanh, nét tích cực trong Nghị quyết 02 đó là giao cho các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiệm vụ giám sát và đánh giá việc thực thi Nghị quyết 02 này. Điều này thể hiện ‘Chất lượng thực tế là thước đo thành công quá trình cải thiện môi trường kinh doanh’.

Chúng ta vẫn thấy rằng, một số bộ ngành, địa phương xem việc ban hành kế hoạch hành động, ban hành một văn bản là xong nhiệm vụ của mình. Nhưng thực tế, nếu việc ban hành đó mà người dân và DN không được hưởng lợi thì nó không có ý nghĩa. Và phải xem sự hài lòng của người dân, DN, nhà đầu tư là thước đo cuối cùng trong vấn đề cải cách.

Thưa ông, trong Nghị quyết 02 vẫn còn hai nhiệm vụ đã nêu ra trước đó trong Nghị quyết 19, đó là ‘tiếp tục cải cách về điều kiện kinh doanh’ và ‘cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành’. Vậy theo ông, cần phải thực hiện như thế nào để những nhiệm vụ này thực chất đi vào cuộc sống?

Phải nói rằng đây là hai lĩnh vực tương đối thách thức và rất quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh.

Hiện nay, đối với điều kiện kinh doanh, tỷ lệ DN gặp khó khăn khi xin cấp phép, thậm chí không đủ điều kiện hoạt động vì điều kiện kinh doanh quá cao, quá phi lý. Chính vì vậy cần tiếp tục cắt giảm, nhưng không phải cắt giảm theo ‘phong trào’, bởi nhiều DN than phiền rằng cải cách nhưng vẫn đang nặng về đơn giản hóa chứ cải cách thực chất thì chưa nhiều (ước tính chỉ 10% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ thực sự). Thậm chí, một số Bộ, ngành còn làm hình thức, nghĩa là 3, 4 điều kiện thì gộp vào thành 1 điều kiện và vẫn tính là đã cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Chính vì vậy, trong thời gian tới cần cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh. Đặc biệt phải đảm bảo tính bền vững, bền vững bằng cách kiểm soát việc ban hành điều kiện kinh doanh mới để sao cho điều kiện được ban hành ra phải được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, được giám sát chặt chẽ.

Thứ hai, đối với lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, đây là lĩnh vực tương đối đặc thù nhưng vô cùng quan trọng. Bởi nó liên quan đến khả năng cạnh tranh, năng lực cạnh tranh mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ở các nước, việc thông quan tính bằng giờ thì Việt Nam tính bằng ngày, thậm chí đối với những hàng hóa chặt chẽ thì phải tính bằng tuần, bằng tháng.

Khi so sánh thủ tục thông quan của Việt Nam với các nước, trước hết là các nước khu vực Asean, chúng ta vẫn thấy khoảng cách rất lớn. Nước ta, theo đánh giá, tỷ lệ phức tạp về thủ tục kiểm tra chuyên ngành gấp tới 3, 4 lần các nước đang cạnh tranh với chúng ta như Malaysia, Thái Lan...

Chính vì vây, tôi hi vọng, trong thời gian tới Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị, ban ngành liên quan sẽ làm mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tạo sự ‘thông thoáng’ hơn cho DN phát triển bền vững.

Chủ tịch VCCI: Vẫn thấy tình trạng 'gập ghềnh' trong tư duy quản lý của các bộ, ngành!(VietQ.vn) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, việc tổng rà xét các quy định pháp luật kinh doanh nhằm ban hành các văn bản "một luật sửa nhiều luật", tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là vô cùng cần thiết.

Ngọc Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot