Rác thải điện tử tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng

author 13:50 16/10/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù chất thải điện tử tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng đang gia tăng nhanh chóng và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới

Theo số liệu công bố của Liên Hiệp Quốc tại báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020", trong năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử. Dự báo sẽ có khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030.

Rác thải điện tử đang trở thành dòng rác thải sinh hoạt gia tăng nhanh nhất thế giới với nhiều lý do như: số lượng thiết bị điện tử được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, vòng đời ngắn hơn và các sản phẩm điện tử khi hư hỏng ít được sửa chữa, mà thay bằng mua mới.

Trong 53,6 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra trên thế giới trong năm 2019, chỉ có 17% rác thải được tái chế. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra rác thải điện tử nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn nhưng tỉ lệ tái chế chỉ đạt 12%; châu Âu tạo ra 12 triệu tấn rác thải điện tử nhưng có tỉ lệ tái chế cao nhất với mức 42%.

Theo số liệu thống kê của Hội Thống kê rác thải toàn cầu (The Global E-Waste Statistics Partnership - GESP), trong năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử.

Số liệu thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cũng cho thấy, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg rác thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Những đồ điện tử tiêu dùng như ti vi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay.

Rác thải điện tử ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên. Ảnh minh họa

Mặc dù con số rất nhỏ nhưng nguy cơ và mức độ độc hại của những loại rác thải này lại không nhỏ. Các thiết bị điện và điện tử chứa các vật liệu, linh kiện và các hóa chất khác nhau. Các chất này hoàn toàn vô hại trong suốt thời gian sử dụng thiết bị.

Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên cực kỳ độc hại khi thiết bị được tháo dỡ hoặc mở ra để xử lý một cách không chuyên nghiệp như chì, thủy ngân… Các chất này có thể ngấm sâu vào lòng đất và mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và để lại những hậu họa khôn lường cho môi trường.

Trước thực trạng này, các chuyên gia về môi trường cho rằng những chương trình thu gom, công nghệ xử lý rác thải một cách an toàn và khoa học là vô cùng cấp thiết, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở các nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Đức Quảng, ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa ra dự báo, mặc dù chất thải điện tử tại Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng đang gia tăng nhanh chóng và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới và còn đa dạng về chủng loại nữa.

PGS.TS Nguyễn Đức Quảng cho biết ở các nước đó, chất thải điện tử thường nằm trong danh mục của các sản phẩm phải thu hồi và xử lý theo cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

"Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất thải điện tử hiện đang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Từ năm 2013, các thiết bị điện - điện tử thải bỏ là 1 trong 6 nhóm sản phẩm phải thu hồi và xử lý. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc quản lý chất thải điện tử nói riêng ở Việt Nam, điều thường gặp ở các quốc gia phát triển khác", PGS.TS Nguyễn Đức Quảng trình bày.

PGS.TS Lê Văn Lữ, Trường đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết thêm, trong rác thải điện tử có chứa rất nhiều hợp chất khác nhau, chủ yếu là kim loại và các hợp chất cao phân tử... trong đó có nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nhưng bên cạnh đó, vì có chứa thành phần kim loại quý, hiếm, rác thải điện tử cũng đồng thời là một nguồn "tài nguyên" to lớn nếu có giải pháp thu gom, tái chế hiệu quả.

Bảo Lâm (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang